Friday, October 25, 2013

BỐN GƯƠNG MẶT CỦA CÁC CHÊ-RU-BIM VÀ SÊ-RA-PHIM



Nghĩa đen của từ liệu “chê-ru-bim” là “những kẻ nắm giữ chắc chắn”. Danh từ “vật sống” ở Ê-xê-chi-ên 1 và “sanh vật” ở Khải thị 4, theo nguyên văn không có chữ “vật”, nên dịch là “kẻ sống (the living one). Sanh vật ở trên ngai Đức Chúa Tròi chính là các chê-ru-bim, không phải các thiên sứ.


Sách Ê-sai 6 còn tiết lộ các vật sống khác là sê-ra-phim. Về dung mạo có rất nhiều điểm dị đồng ở đây. Các sê-ra-phim ở Ê-sai và sinh vật ở Khải thị 4 đều có 4 cánh. Chê-ru-bim ở Xuất-hành 25:20, I Các Vua 6:27 có hai cánh, còn các  chê-ru-bim ở Ê-xê-chi-ên 1: 6 có 4 cánh. Mỗi sinh vật ở Khải-thị 4 có một mặt, các chê-ru-bim ở Ê-xê-chi-ên 41:18-19 có hai mặt, còn các chê-ru-bim ở Ê-xê-chi-ên 1: và 10: có đến 4 mặt. Theo Ê-sai 6:3, các sê-ra-phim kêu la: “thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn quân! Khắp đất đầy dẫy vinh quang Ngài”. Các sê-ra-phim vì đức thánh khiết của Đức Chúa Trời, mà đức thánh khiết là bản chất của Đức Chúa Trời. Còn các chê-ru-bim là vì vinh quang của Đức Chúa Trời, như “vinh quang Đức Chúa Trời …đứng trên các chê-ru-bim” (Ê-xê-chi-ên 10:18-19, Hê-bơ-rơ. 9:5)., mà vinh quang Đức Chúa Trời là sự biểu lộ của Ngài., vinh quang được nhìn thấy. Tóm lại, các sê-ra-phim thay cho bản chất Đức Chúa Trời; các chê-ru-bim tượng trưng sự biểu hiện của Ngài.

Trong mọi phương diện, các chê-ru-bim, sê-ra-phim không phải là các hữu thể trên trời, nhưng theo ý nghĩa đúng và đầy đủ- họ là các vật biểu hiệu cho các việc khác sâu nhiệm hơn.

Theo Khải thị 4: thì 24 trưởng lão là các thiên sứ, bốn sinh vật đại diện tất cả các loài tạo vật khác trong vũ trụ, còn Ê-xê-chi-ên 1: tiết lộ các vật sống nầy đóng vai trò trung gian giữa các từng trời và trái đất, chung với các bánh xe để tiếp giáp mặt đất. Chê-ru-bim có tay như tay người, chơn như chơn bò đực. Nên các chê-ru-bim là trung gian sự quản trị của cái ngai, tôi nghĩ các chê-ru-bim tiêu biểu Hội Thánh. Nói cách hàm súc hơn, các chê-ru-bimsê-ra-phim là hiện thân các nguyên tắc của ngai Đức Chúa Trời, quyền quản trị và sự vận dụng của ngai thi hành qua trung gian của Hội Thánh chung và các hội thánh các địa phương mọi nơi. Trong các vật sống ấy có gói ghém mọi tư tưởng, kế hoạch, nguyên tắc công tác thần thượng, đường lối quản trị của Đức Chúa Trời. Trong phạm vi bài nầy, chúng ta cần suy gẫm ý nghĩa 4 gương mặt của các chê-ru-bim mà thôi.

Ê-xê-chi-ên 1:10 chép, “bốn con đều có mặt người, bốn con đều có mặt sư tử bên hữu, bốn con đều có mặt bò ở bên tả, và bốn con đều có mặt chim ưng”. Còn ở Khải-thị 4, sứ đồ Giăng miêu tả hơi khác một chút. Ông đã thấy “sinh vật thứ nhất giống như sư tử, sinh vật thứ nhì như bò con, sinh vật thứ ba có mặt như mặt người, và sinh vật thứ tư như chim ưng đang bay”. Dù chỉ có gương mặt, hay cả hình dạng như sư tử, bò, người và chim ưng, các sinh vật cũng biểu thị các ý định, ý tưởng thần thượng của Đức Chúa Trời có với dân Ngài.

“Bốn sanh vật có bốn phương diện”. Số 4 là con số của vũ trụ, sự phổ thông, phổ cập. Chúng ta thấy 4 ngọn gió, 4 sừng bàn thờ, 4 góc đất, rồi đến cuối Kinh thánh chúng ta thấy thành phố khối vuông, hình vuông, có 4 góc, có 4 mặt, mỗi mặt có 3 cửa. Đó là tính cách phổ thông của sự quản trị, đó là lưu tâm và giá trị theo giới hạn của vũ trụ. Đức Chúa Trời đang chuyển động về bốn phía của vũ trụ, về 4 phía của trái đất, “từ đầu cùng đất đến tận chân trời”. Ngài không hề bị anh em cột trói trong góc tối xó xỉnh, tạm gọi là “giáo khu” của anh em đâu. Ngài có các mối lưu tâm lớn lao theo giới hạn vũ trụ, anh em cần mở rộng để bước theo Ngài.

Về biểu hiện vinh quang Đức Chúa Trời, 4 mặt của 4 sinh vật tượng trưng các điều cốt yếu của mục đích thần thượng và nghị quyết thần thượng. Thứ nhất, sư tử tượng trưng sự hoạt động của Đức Chúa Trời. Sư tử là vua loài thú. Kinh thánh chép về quyền tể trị của sư tử ở Mi-chê 5:8 “như sư tử ở giữa các thú rừng”, còn vương quyền Giu đa như “sư tử tơ” được Gia-cốp tiết lộ ở Sáng-thế-ký 49: 9-10, “Giu-đa là một sư tử tơ; Hỡi con! Con bắt được mồi rồi tha về. Nó sụm gối, nằm khác nào sư tử đực, Như sư tử cái; há ai dám khiến ngồi lên? Cây phủ việt chẳng hề dời khỏi Giu-đa, Kẻ lập pháp không dứt khỏi giữa chân nó, Cho đến chừng Đấng Si-lô hiện tới, Và các dân vâng phục Đấng đó”. Nên mặt sư tử của chê-ru-bim biểu hiện sự tể trị thuộc linh trong Hội Thánh. Người khôn ngoan có nói, “sư tử mạnh hơn hết trong các loài vật, chẳng lui lại trước mặt loài nào cả”( Châm ngôn 30:31). Đó là bước đi không gì có thể chận đứng được của Linh Đức Chúa Trời, của quyền bính của Ngài qua Hội Thánh. Đức Linh có các nghị quyết vĩnh cữu của Đức Chúa Trời, phải thi hành và hoàn hảo; Ngài đang tiến đến chung cuộc. Mặt sư tử nói lên sự tể trị tối thượng và quyền bính của Linh Đức Chúa Trời đang thi hành các nghị quyết thần thượng qua Hội Thánh. Ngài chế ngự và đạp bằng tất cả trên lối đi của mình. Kể từ ngày Ngũ tuần, chẳng ai cản trở được bước đi của Đức Chúa Trời. Đáng ngợi khen Chúa khi ta thấy sự cai trị ưu việt và quyền bính không thể chuyển nhượng của Đức Thánh Linh đang biểu lộ trong Hội Thánh, trong Thân Thể hữu cơ của Đấng Christ hôm nay. Bước đi thần thượng đó sẽ làm hại kẻ nào dám chận đứng Linh Đức Chúa Trời.

Thứ nhì là phương diện con bò. Đức Chúa Trời giảng giải về sức mạnh của con bò ở Gióp 39:9-12 như sau, “ngươi sẽ tin cậy nó, vì cớ sức mạnh nó lớn chăng?” Trong sự xây dựng đền thờ Đức Chúa Trời thời Sa-lô-môn, sức mạnh của con bò được minh hoạ qua chiếc bể bằng đồng, có sức chứa 2.000 bát nước, kê trên mình 12 con bò bằng đồng. I Các Vua 7:28 Bản Truyền thống chú thích mỗi bát bằng 20 lít. Thực ra sức chứa của bể là là 44.0000 lít nước hay 44 tấn, chưa kể sức nặng của cái bể. Thật là một sức nặng đáng kể để cho 12 con bò bằng đồng chịu đựng! Đây là sức mạnh, là năng lực gánh trách nhiệm, mang gánh nặng trong công tác thần thượng. Đây là lời của Đức Giê-hô-va phán, “ấy chẳng phải bởi năng lực, bèn là bởi Linh Ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy”(Xa-cha-ri 4:6).

Thứ ba là phương diện của con người. Giữa mọi loài thọ tạo khác, con người được dựng nên sau cùng, là loài có sự thông minh và hiểu biết. Đức Thánh Linh khao khát ban cho anh em sự hiểu biết, thông minh và tri thức, là “Linh của sự khôn ngoan và khải thị”- (Ê-phê-sô 1:17). Chúng ta phải hiểu nỗi mục đích trường cữu của Đức Chúa Trời là gì. Đức Thánh Linh đòi hỏi chúng ta có sự thông minh đến những gì Ngài thực sự đang theo đuổi. Thật bi thảm, đôi khi anh em chúng ta lãng phí quá nhiều sức mạnh trí não, tiêu xài nhiều năng lực thần kinh cách vô mục đích, sử dụng nhiều năng lực trí tuệ, thực hiện nhiều điều không theo đường hướng mục đích của Chúa. Chúng ta lập kế hoạch, suy nghĩ làm việc cho Đức Chúa Trời theo lý luận, phán đoán của mình. Điều đó vô dụng. Cầu Chúa cho chúng ta có sự thông minh và hiểu biết tâm trí và đường lối của Đức Linh đang chuyển động là ở đâu, để mình bước theo đó.

Thứ tư, mặt chim ưng. Nếu anh em chúng ta đã thấy tầm bay cao và nhanh của chim ưng trên bầu trời, chúng ta sẽ hiểu được phần nào sự tự do tuyệt đối trong chuyển động của Linh Chúa. Nếu chúng ta xếp đặt đường hướng cho Ngài di động, Ngài sẽ tẽ hướng. Phi-e-rơ cố gắng làm cho Đức Thánh Linh như vậy trước khi ông đến nhà của Cọt-nây, nhưng Ngài đấm Phi-e-rơ xuống và tiến lên cách tối thượng trong chuyển động tuyệt đối tự do, bỏ lại sau lưng các truyền thống và lời giải thích của Phi-e-rơ. Tối thượng quyền tuyệt đối của Đức Thánh Linh là thiết yếu cho sự đầy đủ của sự sống. Ngài đòi hỏi có sự tự do để chuyển động theo ý muốn Ngài, chớ không theo ý tưởng và lưu tâm của chúng ta.

Rất nhiều công nhân Đức Chúa Trời không đầu phục quyền bính vô địch của Đức Thánh Linh trong Hội Thánh. Họ không biết phụng sự Chúa bằng năng lực Linh Chúa, bằng lời trí tuệ, bằng sự khôn ngoan của Đức Linh ban cho và nhất là không chịu thờ lạy Chúa theo đường lối chuyển động tự do tối thượng của Ngài. Nguyện Chúa thương xót vận hành 4 nguyên tắc chủ đạo nầy trong công tác thần thượng của Ngài tại đất nước và thế giới người Việt Nam chúng ta hôm nay./..
Minh Khải-



Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...