Thursday, September 19, 2013

SỰ BẮT BỚ HỘI THÁNH ĐẦU TIÊN



   Cơ đốc giáo luôn đối diện cả những nan đề bên ngoài lẫn bên trong từng thời kỳ lịch sử của mình. Hội thánh phải đối diện nan đề nghiêm trọng từ bên trong là tà giáo và đã giải quyết vấn đề đó vào khoảng năm 100 đến 313; đồng thời hội thánh phải giải quyết nan đề từ bên ngoài là cơn bách hại từ chính quyền La mã.
   Cơ đốc giáo trong đế quốc La mã, phái Cảnh giáo (Nestorians) tại Trung quốc vào thế kỷ thứ chín và mười, người công giáo La mã tại Nhật bản vào thế kỷ 17, cũng như cơ đốc nhân tại những đất nước phát xít , đã có chung kinh nghiệm về sự thù địch của nhà nước đến độ phải tuận đạo. Cơ đốc nhân cũng phải đối diện những cuộc công kích về văn học từ những nhà tri thức ngoại đạo, như Lucian, Fronto và Celsus.

   Người Do thái bắt bớ cơ đốc nhân trước nhất ( Công 7: ; 8:13) và đặc biệt là những lãnh tụ của họ, như Ê-tiên, Gia cơ và Phi-e-rơ cùng Phao lô ( Công. 7: ,12: , 21: 26).
   Nhiều người đã lúng túng về số lượng, khoảng thời gian, phạm vi và cường độ của những cơn bắt bớ mà hội thánh đầu tiên đã gánh chịu. Trước năm 250, sự bắt bớ chủ yếu mang tính địa phương, rải rác, và thường là do hành động của đám đông hơn là từ chính sách dân sự rõ ràng. Tuy nhiên, sau thời điểm đó, nhiều lúc sự bắt bớ trở thành chính sách có chủ tâm của chính quyền La mã, và do đó nó lan rộng và tàn bạo. Trong thời kỳ đó, ý kiến của Tertullian cho rằng, “huyết của cơ đốc nhân là hạt giống” (của hội thánh) đã trở thành một thực tại kinh khiếp đối với rất nhiều cơ đốc nhân. Hội thánh vẫn tiếp tục phát triển bất chấp—hoặc có lẽ là một phần nhờ vào --- sự bắt bớ mãi cho đến cuối thời kỳ nầy, hội thánh mới được tự do thờ phượng dưới thời hoàng đế Constantine.

I. NHỮNG NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ BẮT BỚ:
A. Chính Trị:
   Hội thánh ít bị bắt bớ chừng nào còn được nhà cầm quyền xem là một phần của Do thái giáo, tức religio licita, hay một tôn giáo hợp pháp. Nhưng ngay khi Cơ đốc giáo được phân biệt khỏi Do thái giáo, như một giáo phái riêng biệt và có lẽ bị liệt vào hạng một hiệp hội bí mật, thì liền bị chính quyền La mã cấm, vì chính quyền nầy sẽ không dung thứ bất kỳ đối thủ nào tranh giành lòng trung thành của thần dân. Như vậy, cơ đốc giáo trở thành một tôn giáo bất hợp pháp, và theo đúng nghĩa của từ ngữ, họ bị xem là mối đe dọa đến sự an ổn của nhà nước La mã. Nhà nước là mục tiêu cao nhất trong việc liên hiệp nhà nước và tôn giáo. Không thể có một tôn giáo riêng biệt nào.
   Chỉ có thể dung nhượng tôn giáo nếu nó góp phần vào sự ổn định quốc gia. Vì tôn giáo cơ đốc phát triển nhanh chóng, độc quyền trong những lời tuyên bố đòi hỏi lòng trung thành về đạo đức và tâm linh của những người tiếp nhận Đấng Christ, nên khi phải chọn lựa giữa trung thành với Christ và trung thành với Sê-sa, đương nhiên Sê-sa buộc phải đứng ở vị trí thứ nhì. Những nhà lãnh đạo La mã—vì quyết tâm bảo tồn văn hóa cổ điển bên trong khuôn khổ nhà nước La mã đế quốc, nên đã xem đây là lòng bất trung với đất nước; và họ xem cơ đốc nhân là những người đang cố thiết lập một vương quốc bên trong nhà nước của họ. Hoặc nhà nước phổ thông hoặc hội thánh phổ thông—tức Thân thể Đấng Christ—một trong hai phải nhường bước. Quyền tể trị độc quyền của Christ đã đụng độ với lời tuyên bố kiêu hãnh của Sê-sa đòi tể trị độc quyền.
   Nhiều tập tục cơ đốc dường như khẳng định những mối nghi ngờ của nhà cầm quyền La mã về lòng bất trung cơ bản của cơ đốc nhân đối với nhà nước. Cơ đốc nhân liên tục từ chối dâng hương trên bàn thờ cho thiên tài của hoàng đế, là nhân vật đã được kết hợp không thể tách rời khỏi phúc lợi của quốc gia trong tâm trí của dân chúng, suốt thời kỳ từ Caesar Augustus cho đến hoàng đế Constantine. Nếu chịu dâng sinh tế trên những bàn thờ nầy, thì một người mới có thể thực hành tôn giáo riêng thứ nhì. Cơ đốc nhân sẽ không dâng những sinh tế như thế, nên do đó người ta nghĩ họ không trung thành. Cơ đốc nhân cũng tổ chức những buổi nhóm  vào ban đêm và trong bí mật. Đối với nhà cầm quyền La mã, điều nầy không còn ý nghĩa nào khác hơn là ấp ủ âm mưu chống lại sự an bình của quốc gia. Cơ đốc nhân vẫn không chịu đi lính mãi cho đến năm 313.

II.TÔN GIÁO:
   Ngoài nguyên nhân cơ bản về chính trị cho cuộc bắt bớ, còn có nguyên nhân về tôn giáo nữa. Quốc giáo của La-mã mang tính máy móc và bề ngoài. Nó có bàn thờ, hình tượng, thầy tư tế, những buổi rước lễ, những nghi thức và những tập tục mà dân chúng có thể nhìn thấy. Người La mã không phản đối việc thêm một hình tượng mới vào nhóm hình tượng tại đền Bách Thần, miển vị thần đó phải phục dưới những lời tuyên bố trước đó của quốc giáo La mã. Cơ đốc giáo không có những thần tượng và những thứ đồ thờ nhìn thấy được. Sự thờ phượng của họ mang tính thuộc linh và bề trong. Khi họ đứng cầu nguyện với mắt nhắm lại, chẳng có một đối tượng hữu hình nào để những lời cầu nguyện của mình hướng đến. Đối với người La mã đã quen với những biểu hiện mang tính biểu tượng và vật chất của thần linh họ, điều của cơ đốc giáo thực hành không còn ý nghĩa nào khác hơn là chủ nghĩa vô thần.
   Tính bí mật trong các buổi nhóm của cơ đốc nhân cũng dẫn đến những lời kết tội họ về mặt đạo đức. Công chúng đồn đãi họ phạm tội loạn luân, ăn thịt người và những tập tục trái tự nhiên khác nữa. Hiểu lầm về ý nghĩa của việc “ăn và uống” những thành phần tượng trưng cho thân và huyết của Đấng Christ, để dẫn đến lời đồn đãi cơ đốc nhân giết và ăn thịt trẻ sơ sinh trong của lễ dâng cho Đức Chúa Trời của họ. Những lời “cái hôn thánh chúc bình an” dễ dàng bị xuyên tạc thành những lời kết tội loạn luân khác đáng gớm ghiếc trong đầu một người La Mã có văn hóa. Những lời đồn đãi nầy không đúng sự thật, những dẫu vậy cũng không thay đổi được những hiểu lầm khác.

C.Xã Hội:
   Các nan đề của xã hội cũng góp phần vào nguyên nhân khiến người La mã bắt bớ hội thánh. Các cơ đốc nhân có sức lôi cuốn lớn với những từng lớp thấp kém hơn và nô lệ, nên đã bị những nhà lãnh đạo thuộc từng lớp có thế lực và quí tộc trong xã hội ghét bỏ. Những nhà  lãnh đạo nầy nhìn bằng cặp mắt khinh thường, nhưng rất sợ ảnh hưởng của họ trên từng lớp hạ lưu. Cơ đốc nhân xem mọi người đều bình đẵng (Col. 3:11); ngoại giáo khăng khăng bám vào cơ cấu quí tộc cho xã hội, trong đó một số ít có đặc quyền, được tầng lớp hạ lưu và nô lệ phục vụ. Cơ đốc nhân tách mình khỏi những cuộc hội họp ngoại giáo tại đền miếu, rạp hát và những nơi giải trí. Tình trạng không tuân thủ những khuôn mẫu đã được xã hội chấp nhận khiến họ gặp sự ghét bỏ mà những người không chịu tuân thủ luật lệ luôn luôn gặp phải ở mọi thời kỳ trong lịch sử. Sự thanh sạch của đời sống họ là lời quở trách âm thầm cho những cuộc sống đáng ghê tởm, mà những người trong tầng lớp thượng lưu đang sống. Tình trạng cơ đốc nhân không tuân thủ những mẫu mực hiện có trong xã hội  khiến người ngoại đạo tin rằng họ nguy hiểm cho xã hội và mô tả tính cách của họ, là “những kẻ thù ghét của nhân loại”, tức những người có thể xúi giục quần chúng nổi loạn.

D.Kinh Tế:
   Đừng quên những suy tính kinh tế có đóng một vai trò trong sự bắt bớ cơ đốc nhân. Sự chống đối Phao-lô đón nhận từ những người làm hình tượng ở Ê-phê-sô, là những người quan tâm đến mối nguy hiểm của cơ đốc giáo đối với nghề nghiệp của họ hơn là tác hại có thể gây ra cho sự thờ lạy thần Diana (Công 19:27), chính là manh mối cho cảm xúc của những người vốn mong được nhiều lợi lộc, nhưng kế sinh nhai đang bị đe dọa trước sự lan tràn của cơ đốc giáo. Những thầy tư tế, những người làm hình tượng, những thầy bói, những họa sĩ, những nhà kiến trúc, những nhà điêu khắc, hẳn hầu như không nhiệt tình mấy với thứ tôn giáo đang đe dọa đến phương kế sinh nhai của họ.
   Năm 250, khi cơn bắt bớ trở nên phổ biến và dữ dội thay vì ở địa phương và tản mát, thì theo tính cách của người Rô-ma, năm này là khoảng 1000 năm sau khi thành lập thành phố Rô-ma. Vì dịch lệ, đói kém và những biến loạn dân sự tác quái đế quốc vào lúc nầy, nên ý kiến quần chúng đổ những rắc rối nầy do sự có mặt của cơ đốc giáo bên trong đế quốc và do việc từ bỏ các thần cũ tiếp sau đó. Luôn luôn có rất nhiều sự mê tín về lúc kết thúc 1000 năm và trong vấn đề nầy, người La mã không hơn gì dân chúng thời Trung cổ ngay trong năm 1000. Sự bắt bớ cơ đốc nhân dường như là cách hợp lý cho người Rô-ma vượt qua những rắc rối của họ.
   Toàn bộ những nhận định trên đây đã kết hợp lại trong đầu óc của nhà cầm quyền, để biện minh cho việc bắt bớ cơ đốc nhân. Không phải trường hợp nào cũng có mặt tất cả những suy tính ấy, nhưng trong hầu hết các trường hợp, tính độc quyền đòi hỏi của đạo cơ đốc trên đời sống của cơ đốc nhân đã xung khắc với chủ nghĩa hỗn thành của người ngoại giáo và với đòi hỏi lòng trung thành độc quyền với nhà nước La mã. Lẽ tự nhiên là sự bắt bớ sẽ đến như một phần chính sách của hoàng đế để bảo vệ tính nguyên vẹn của nhà nước La mã. Cơ đốc giáo không phải là tôn giáo được cấp giấy phép và không có quyền tồn tại trước pháp luật. Những nhà tuận đạo và nhà biện giáo là câu trả lời của cơ đốc giáo cho những đoàn dân, nhà nước và các văn sĩ ngoại giáo.
   Thí dụ, Origen viết tác phẩm Against Celsus để đáp lại các sự tấn công của các nhà tri thức ngoại giáo. Irenaeus chống lại Trí huệ giáo, Tertullian chống trả phái Duy nhất thần.

II. Sự Bắt Bớ Hội thánh:
   Sự bắt bớ cơ đốc nhân vừa mang tính giáo hội vừa mang tính chính trị. Người Do thái là những kẻ bắt bớ trong thời kỳ non trẻ của hội thánh tại Giê-ru-sa-lem. Chỉ trong đời vua Nero (54-68), cơn bắt bớ có tổ chức mới bắt đầu ra từ nhà nước La mã. Nero đổ tội cho cơ đốc nhân gây ra cơn hỏa hoạn thảm khốc tại La mã vào năm 64 S.C. và bắt bớ hội thánh. Ngay cả những cuộc bắt bớ nầy cũng mang tính địa phương và tản mát, mãi đến năm 250 mới trở nên phổ thông và tàn khốc, bắt đầu từ cơn bắt bớ dưới triều vua Decius.

A. Sự Bắt Bớ Đến Năm 100:
   Neron được mang “vinh dự” là người bắt bớ chính yếu đầu tiên đối với hội thánh Đấng Christ. Tacitus ghi lại lời đồn Nero đã ra lịnh phóng hỏa thiêu hủy một phần thành phố Rô-ma. Lời đồn nầy được dân chúng nhận biết rộng rãi, đến nỗi Nero phải tìm kiếm một người gánh tội. Vua chuyển cảm xúc chống vua của dân chúng và trút trên những cơ đốc nhân, bằng cách kết tội họ phóng hỏa và bằng cách lao mình vào cuộc truy hoan để tiêu diệt cơ đốc nhân. Dường như cơn bắt bớ nầy giới hạn tại thành Rô-ma và những vùng phụ cận. Phi-e-rơ và Phao-lô đã qua đời trong thời kỳ nầy.
   Cơn bắt bớ bùng nổ lần nữa vào năm 95 dưới thời cai trị của bạo chúa Domitian. Người Do thái không chịu nộp thuế thân, thuế được đánh nhằm chu cấp cho Capitolinus Jupiter. Vì cơ đốc nhân được tiếp tục liên kết với người Do thái, họ cũng gánh chịu chung những hậu quả cơn thạnh nộ của hoàng đế. Chính trong cơn bắt bớ nầy, sứ đồ Giăng bị đày đến đảo Bát-mô, và tại đó ông viết sách Khải thị.

B.Cơ Đốc Giáo Dưới Lịnh Cấm Đoán Của Chính Quyền, 100-250.
   Cơn bắt bớ có tổ chức đầu tiên, đã đưa các cơ đốc nhân ra tòa như những bị cáo, xảy ra tại Bithynia dưới thời cai trị của quan tổng trấn Pliny the Younger, vào khoảng năm 112. Pliny viết một lá thơ khá thú vị cho hoàng đế Trajan. Trong thơ, ông báo tin về những cơ đốc nhân, phác họa chính sách của ông, và xin Trajan đoán định vấn đề. Ông viết rằng “sự lây lan thói mê tín nầy” (cơ đốc giáo) đã lan tràn khắp các thành phố và những vùng thôn quê cũng như tại những thành phố lớn, đến độ những đền miếu hầu như bị bỏ hoang, và những người bán súc vật làm sinh tế phải lâm vào cảnh nghèo khổ. Pliny tiếp tục báo cho Trajan về cách thức ông đối đãi với cơ đốc nhân. Khi có người tố giác một cơ đốc nhân, Pliny đem cơ đốc nhân đó ra trước tòa án tra vấn xem có phải là cơ đốc nhân không. Nếu người đó vẫn thừa nhận lời kết tội sau ba câu hỏi như thế, thì bị kết án tử hình. Trong thơ trả lời, Trajan trấn an Pliny rằng ông đang xử đúng cách. Không một cơ đốc nhân nào bị truy lùng; nhưng nếu có người báo ai đó là cơ đốc nhân, cơ đốc nhân đó sẽ bị trừng phạt, trừ phi chịu bỏ đạo và thờ lạy các thần của người La mã. Ignatius đã qua đời trong cơn bắt bớ nầy. Trong thơ gởi cho hội thánh La mã, ông cầu xin họ đừng làm gì để can ông tử đạo. Ông muốn làm hạt lúa mì của Đức Chúa Trời để được xay thành bánh trong hàm răng của sư tử.
   Cơn bắt bớ khác đã xảy ra tại Smyrna vào khoảng giữa thế kỷ thứ hai. Lần nầy, Polycarp tuận đạo khi đám đông hung dữ lôi những cơ đốc nhân ra trước mặt nhà cầm quyền.
   Những tai ương tại địa phương, như đám hỏa hoạn tại Rô-ma và hoạt động của quan tổng trấn cần mẫn, là nguyên nhân của sự bắt bớ mãi cho đến triều vua Marcus Aurelius. Marcus Aurelius là một người theo phái khắc kỷ rất nhiệt thành, chịu ảnh hưởng của Fronto, thầy mình, nên có thành kiến nặng nề với cơ đốc nhân. Vì muốn đổ thừa những thiên tai cũng như những thảm họa do con người gây ra dưới thời cai trị của mình cho sự tăng trưởng của cơ đốc giáo, nên ông ra lệnh bắt bớ cơ đốc nhân. Justin Martyr, tác giả biện giáo vĩ đại, đã tuận đạo tại La mã trong cơn bắt bớ nầy.
   Phụ nữ cũng không thoát khỏi bắt bớ. Perpetua (181-203) là con gái một gia đình quyền quí và giàu có. Cô từ chối những lời khẩn cầu và thuyết phục cô bỏ đạo của cha và quan xét xử. Cô đã bị đánh đòn, quăng cho dã thú xé xác, rồi bị chém đầu.

C. Sự Bắt Bớ Phổ Thông Sau Năm 250:
   Hoàng đế Decius lên ngai vào khoảng thành Rô ma bước vào cuối 1000 năm đầu tiên trong lịch sử của mình và vào lúc đế quốc đang chao đảo dưới các thiên tai cùng những cuộc tấn công từ bên trong lẫn bên ngoài. Ông quyết định, nếu muốn cứu nền văn hóa cổ điển, thì phải sử dụng biện pháp mạnh. Cơ đốc nhân bị xem như mối đe dọa đặc thù cho quốc gia vì cớ sự gia tăng số lượng nhanh chóng của họ và có vẻ như họ đang cố lập một nhà nước bên trong một nhà nước.
   Decius ban hành chiếu chỉ vào năm 250, truyền rằng phải dâng tế lễ hằng năm tại các bàn thờ của người La mã cho các vị thần và thiên tài của hoàng đế. Những người chịu dâng của tế lễ đó, được cấp giấy chứng nhận gọi là libellus. Hội thánh về sau đã bị kích động bởi nan đề về cách đối đãi với những người đã chối bỏ đức tin cơ đốc, đã nhận những giấy chứng nhận như thế. May thay cho hội thánh, cơn bắt bớ chỉ kéo dài cho đến khi Decius qua đời vào năm sau. Nhưng những sự tra tấn mà Origen chịu đã trở thành nguyên nhân gây nên cái chết của ông.

   Dầu có những thời kỳ bắt bớ toàn quốc bởi mạng lịnh của hoàng đế, nhưng không có cơn bắt bớ nào xảy ra sau cơn bắt bớ đời Decius và Valerian (Cyprian tuận đạo dưới đời Valerian) mãi đến đời Diocletian (245-313). Diocletian là nhà lãnh đạo quân sự cương quyết, lên ngôi hoàng đế vào cuối một thế kỷ nổi bật bởi rối reng chính trị trong đế quốc La mã. Ông xác định rằng chỉ có một nền quân chủ vững mạnh mới cứu được đế quốc và nền văn hóa cổ điển của nó. Năm 285, ông chấm dứt tình trạng hai bên đồng cai trị của thời kỳ công quốc, do Caesar Augustus tạo ra năm 27 T.C., trong đó hoàng đế và nghị viện cùng chia sẻ uy quyền. Theo ý ông, nền quân chủ hùng mạnh theo kiểu đông phương và là phương án duy nhất cho tình trạng hỗn loạn. Trong một đế quốc chuyên quyền như thế, không có chỗ dành cho những thành phần dân chủ trong chính quyền hay dung nhượng những niềm tin thù địch với tôn giáo quốc gia. Chính từ trong hoàn cảnh lịch sử nầy xuất phát cơn bắt bớ tàn khốc nhất mà cơ đốc nhân từng gặp.

   Những chiếu chỉ đầu tiên truyền lịnh bắt bớ cơ đốc nhân bắt đầu vào tháng ba năm 303. Diocletian ra lịnh chấm dứt những buổi nhóm của cơ đốc nhân, phá hủy nhiều nhà thờ, truất phế nhiều chức viên của hội thánh, cầm tù những người nào vẫn còn bền lòng làm chứng cho Đấng Christ, thiêu hủy Kinh thánh. (Sắc lịnh cuối nầy sẽ khiến hội thánh về sau gặp rắc rối khi tranh luận của Donatus nổ ra tại Bắc Phi về cách phải đối xử với traditores, tức những người đã nộp bản Kinh thánh cho kẻ bắt bớ, khi họ xin được gia nhập hội thánh trở lại, sau khi cơn bắt bớ chấm dứt). Một chiếu chỉ sau đó truyền cơ đốc nhân phải dâng tế lễ cho các thần ngoại đạo, nếu từ chối thì phải chịu chết. Eusebius nói rằng nhà tù chật cứng những nhà lãnh đạo cơ đốc và những hội chúng của họ đến nỗi không còn chỗ để nhốt những phạm nhân. Cơ đốc nhân bị trừng phạt, bằng cách tước hết của cải, lưu đày, nhốt tù, hay hành hình bằng gươm và dã thú. Những người may mắn hơn được giải đến một nơi của người La mã, tương đương với trại tù khổ sai chuyên chế, tại đó họ phải làm việc cho đến chết trong hầm mỏ. Nhịp độ bắt bớ giảm dần khi Diocletian thoái vị và về hưu năm 305.
   Sau những thời kỳ bắt bớ khác, Galerius ban chiếu chỉ bên giường lâm chung vào năm 311, để ban sự tự do cho cơ đốc giáo, miển là cơ đốc nhân không xâm phạm hòa bình của đế quốc. Sự bắt bớ vẫn chưa chấm dứt hẳn cho đến khi Licinius và Constantine ban chiếu chỉ Milan vào năm 313. Chiếu chỉ nầy cho phép tự do thờ phượng, không những cho cơ đốc giáo mà cho mọi tôn giáo cho đến năm 381. Vì Constantine tin rằng “sự thờ phượng Đức Chúa Trời” phải là “quan tâm hàng đầu và chính yếu nhất” của vua, nên cho rằng không thể lấy quốc giáo làm chính sách của đế quốc. Có lẽ khải tượng về thập tự giá, mà lời truyền khẩu cho rằng ông đã nhìn thấy và đã bảo đảm cho ông đắc thắng những kẻ thù, có liên quan đến chính sách khoan nhượng của ông. Từ thời đó trở đi, cơ đốc nhân được tự do thờ phượng và truyền bá đạo cho người khác để đem họ về với Đấng Christ.

III. NHỮNG KẾT QUẢ CỦA SỰ BẮT BỚ:
   Sự lan làn nhanh chóng của cơ đốc giáo, thậm chí trong những thời kỳ bị bắt bớ tàn khốc nhất, đã chứng minh thực sự huyết của người tuận đạo là hạt giống của hội thánh. Trong thời kỳ các sứ đồ, cơ đốc giáo hầu như là một phong trào đô thị. Số lượng những tín đồ tích cực tại Jerusalem sau ngày phục sinh được Phao-lô tính phỏng đoán là 500 ( 1Cor. 15:6). Bức thơ của Pliny chứng minh cơ đốc giáo đã vững mạnh tại vùng Tiểu Á ít lâu sau đầu thế kỷ thứ hai. Trong thế kỷ thứ nhứt, cơ đốc giáo hầu như chỉ giới hạn ở vùng phía đông của đế quốc, và người Do thái được dành cơ hội đầu tiên để tiếp nhận cơ đốc giáo khi Tin lành truyền đến những thành phố mới. Trong thế kỷ thứ hai, sự bành trướng rất nhanh chóng giữa vòng dân ngoại bang nói tiếng Hi lạp của đế quốc. Hội thánh tại Alexandria đã trở nên hội thánh chính của xứ Ai cập. Vào năm 200, có thể thấy cơ đốc nhân tại khắp mọi miền đế quốc. Điểm nhấn mạnh trong thế kỷ thứ ba là truyền bá Tin lành đến cho người nói tiếng Latin ở vùng tây đế quốc. Một hội thánh vững mạnh có Carthage là trung tâm trí thức đã phát triển tại Bắc Phi. Con số phỏng chừng của các hội thánh vào năm 300, biến thiên giữa khoảng 5 đến 15 phần trăm dân số toàn đế quốc, tức vào khoảng giữa 50 đến 75 triệu người.
   Tuy nhiên, sự bắt bớ đã tạo ra những nan đề nội bộ cần phải giải quyết. Hai cuộc tranh luận dữ dội đã nổ ra tại Bắc Phi và Rô-ma về cách đối đãi với những người đã dâng của lễ trên bàn thờ thời Decius và những người đã nộp Kinh thánh trong cơn bắt bớ đời Diocletian, xem có nên nhận trở về với hội thánh khi họ ăn năn không. Có người muốn loại trừ họ khỏi bất kỳ mối thông công nào với hội thánh; có người muốn tiếp nhận họ sau một thời kỳ thử thách. Cuộc tranh luận của Donatus, phát triển từ cơn bắt bớ đời Diocletian, vẫn chưa giải quyết ổn thỏa vào thời của Constantine.
   Cơn bắt bớ đời Diocletian đã áp đặt trên hội thánh nan đề về bộ kinh điển Tân ước. Nếu sở hữu trong tay những bức thơ tín có thể đồng nghĩa với sự chết, thì cơ đốc nhân muốn biết chắc chắn rằng những quyển sách mà họ không chịu nộp, dù phải chấp nhận cái chết kia, phải thực sự là những cuốn sách kinh điển. Sự suy xét nầy đã góp phần vào những quyết định chung cuộc để xem văn phẩm nào là thuộc bộ kinh điển. Những văn phẩm biện giáo cũng đã được viết ra.
   Kỷ nguyên bắt bớ thật thú vị, vì cớ ánh sáng mà nó chiếu rọi vào nan đề luôn tái diễn về mối quan hệ giữa hội thánh với chính quyền. Cơ đốc giáo đòi hỏi lòng trung thành độc quyền của những môn đồ trong những vấn đề đạo đức và thuộc linh. Cơ đốc nhân phải vâng phục chính quyền chừng nào mà chính quyền không buộc họ xâm phạm đến lòng trung thành về đạo đức và thuộc linh của mình với Đức Chúa Trời. Cơ đốc giáo sống tại những đất nước mà họ hiện chịu bắt bớ vì đức tin có thể dùng lịch sử của những cơn bắt bớ trong hội thánh đầu tiên làm kim chỉ nam. Nan đề vâng phục Đấng Christ hay Sê sa vẫn luôn tái diễn trong lịch sử hội thánh./.
( nguồn: Martyrdom and Percution in Early Church by W.H.C. Frend)

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...