Thursday, September 19, 2013

KINH THÁNH QUA CÁC THỜI ĐẠI




   Kinh thánh đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế giới từ sau khi bộ sách ấy được hoàn tất vào đầu thế kỷ thứ nhất của kỷ nguyên chúng ta. Trong khi các sách của Tân ước đang được viết ra thì sứ điệp hàm chứa trong đó đã đuợc tiếp nhận như là lời Đức Chúa Trời (1Te. 2:13), vì đã được Cựu ước chuẩn nhận ( Công 2:16; 17:2, 3, 11) cũng như đuợc các dấu lạ kèm theo chứng thực cho (Mác 16:20; Công 5:12; 19:18-20). Các dấu lạ chấm dứt, nhưng bằng chứng về lời tiên tri được ứng nghiệm và bằng chứng của Đức Thánh Linh vẫn tồn tại.


   Trong thế kỷ thứ hai, Cựu ước đã được người ngoại bang và nhiều người tân tòng thừa nhận là được Đức Chúa Trời linh cảm và có thầm quyền của Đấng Christ và các môn đồ Ngài; đồng thời các sách Tân ước cũng được thừa nhận là do các sứ đồ viết ra, và cũng được xem như có thẩm quyền tương đương. Irenaeus bảo ‘các sách ấy là lời phán của Ngôi Lời Đức Chúa Trời và Thánh Linh Ngài’. Origen thì mô tả các trước giả sách phúc âm, qua sự trợ giúp của Đức Thánh Linh, là ‘không thể lầm lẫn hay sai sót trong ký ức được’. Việc hoàng đế La mã Diolectian và nhiều kẻ bách hại khác thiêu huỷ Kinh thánh đã không thể ngăn chặn được việc hội thánh Đấng Christ, cứ ngày càng bám chặt lấy Kinh thánh. Bất chấp sự sa sút thuộc linh cả Đông phương lẫn Tây phương, Kinh thánh vẫn được chép tay và lưu truyền đi thật xa và rộng rãi. Với cuộc phục hưng về sự học hỏi của thế kỷ XV, Kinh thánh trở thành nền tảng để nghiên cứu trong các trường học và trường đại học. Vào buổi bình mình của cuộc Cải Cách tôn giáo tại Anh quốc, sau khi William Tyndale tuẫn đạo năm 1536, thì năm 1538, vua Henry VIII ra lệnh cấp cho mỗi hội thánh một quyển Kinh thánh tiếng Anh. Trong quyển “Lược sử dân tộc Anh” (Short History of English People), J. R. Green mô tả việc xảy ra tiếp sau đó như sau: ‘ Kinh thánh được đọc trong nhà thờ và nhà riêng, và khắp nơi, hễ lời ấy lọt vào tai của những người mà các cổ tục chưa làm cho điếc lác, thì đều được nhen nhúm thành một thái độ nhiệt thành hết sức lạ lùng. Chưa có một sự đổi mới nào giống như vậy xảy ra trong dân chúng. Anh quốc trở thành dân tộc của một quyển sách, và quyển sách đó là Kinh thánh’. Viết về bản dịch Authorized Version ( bản King James) xuất bản năm 1611, G. M. Trevelyan bảo rằng việc nghiên cứu Kinh thánh đã gây ảnh hưởng trên ‘tính tình, óc tưởng tượng và trí khôn của toàn dân Anh suốt ba thế kỷ theo sau đó, hơn bất kỳ một phong trào văn học nào trong biên niên sử của chúng ta, hoặc bất cứ phong trào tôn giáo nào kể từ khi thánh Augustine xuất hiện’. Thiết tưởng có thể nhân bội dễ dàng những lời làm chứng như thế, nếu chúng ta trích dẫn các tác giả và các phát ngôn nhân hiện đại.

   Thế kỷ  XIX vừa qua đã chứng kiến một công tác truyền giáo lan tràn hết sức sâu rộng, đồng thời, các bản dịch Kinh thánh cũng được lưu truyền trong tất cả các quốc gia. Tại Ấn độ, Kinh thánh được đọc rộng rãi hơn bất cứ sách nào khác, và thường được những người Hồi giáo có học thức, nhưng chưa hề đọc kinh Coran, cũng như những người Ấn độ giáo hoàn toàn chẳng biết gì về kinh Vệ đà, trưng dẫn. Tại Uganda, Kinh thánh là quyển sách căn bản cho những người biết đọc, và đã nâng bộ lạc Baganda lên đứng đầu cả chủng tộc Bantu. Tại Trung Hoa, nhiều người có địa vị cao ca tụng Kinh thánh như một kho báu vật. Sau đây là lời của Thống chế Tưởng Giới Thạch lúc bị giam cầm năm 1937: ‘ Tôi đã là cơ đốc nhân gần mười năm nay, suốt thời gian đó, tôi vẫn thường xuyên đọc Kinh thánh. Trước đây, quyển sách ấy chưa bao giờ khiến tôi thích thú cho bằng trong hai tuần lễ mà tôi bị thảo khấu cầm tù tại Tây An… Với kẻ bắt tôi, tôi chỉ yêu cầu điều duy nhất là một quyển Kinh thánh’.
   Thật vậy, chúng ta có thể nói rằng: “các điều răn Ngài là chân thật. Cứ theo chứng cớ Chúa, tôi đã biết từ lâu rằng Chúa lập các điều răn ấy đến đời đời” (Thi 119:151, 152).
( Nguồn: G. T. Manley)
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...