Wednesday, September 19, 2012

Tìm Hiểu Niết bàn

Viết bởi: Lê Anh Huy, Ph.D.
Chuyên mục: Phật Giáo


Hơn sáu mươi phần trăm dân số Việt Nam đặt để niềm hy vọng duy nhất vào một người có thật trong lịch sử. Đó là Hoàng tử Tất-Đạt-Đa Gô-ta-ma sống và chết ở Ấn Độ cách đây khoảng hai ngàn năm trăm năm. Người tuyên bố đã tìm ra con đường giải thoát cho nhân loại khỏi sự đau khổ qua sự giác ngộ về một cõi vĩnh cửu gọi là Niết Bàn. Từ đó đến nay “chân lý” mà người tìm ra được truyền bá khắp năm châu với tổng số người tin đến khoảng chừng ba trăm triệu trên toàn thế giới.

Vì Phật giáo cơ bản mời gọi mọi người vào để “xem xét” trước khi tin chứ không phải để tin vội một cách mù quáng [1] nên bài này cố gắng phân tích một cách khách quan hệ thống tư duy của một tôn giáo lớn của nhân loại. Sự phân tích khách quan dẫn đến sự hiểu biết chính xác. Sự hiểu biết chính xác về điều mình tin có ảnh hường rất hệ trọng đến đời sống tâm linh, tinh thần, tình cảm và ngay cả thể chất của cá nhân và cả một dân tộc nói chung.

A. Nguồn gốc Ấn Độ giáo của Phật giáo

Vì Hoàng tử Tất-Đạt-Đa Gô-ta-ma xuất thân từ Ấn Độ trong bối cảnh của Ấn Độ giáo (bắt nguồn trước Phật giáo ít nhất một ngàn năm) cho nên tôn giáo này có một số ảnh hưởng đáng kể lên toàn bộ giáo lý của Phật. Mặc dầu Phật giáo và Ấn Độ giáo có rất nhiều điểm khác nhau cơ bản, hai tôn giáo á châu này có chung nhau hai điểm chính: Đó là luật nhân quả (Karma hay Kamma có nghiã đen là “hành động”) và tái sinh (reincarnation) [2,3]. Hai luật này đi đôi với nhau. Luật nhân quả nói về sự trói buộc giữa nguyên nhân và hậu quả. Nghĩa là công việc của một người làm có ảnh hưởng đến hoàn cảnh người đó phải chịu sau này. Trong khi luật nhân quả tạo động lượng lên luật tái sinh, luật tái sinh tạo thêm điều kiện cho luật nhân quả được trọn. Do vậy, một người chưa được giải thoát sẽ chìm đắm trong luân hồi sinh, lão, bệnh, tử từ kiếp này qua kiếp khác triền miên.
Vì thất vọng với Ấn Độ giáo và cách khổ tu của của đạo này, Phật đã chọn cách thiền định dưới cây Bồ Đề để đi tìm chân lý. Và :
Sâu thẳm trong thiền, người ngước nhìn lên trời đầy sao, và trong một nháy chớp của giác ngộ, người thấy hết bản chất của sự việc và trở thành Phật của sự giác ngộ hoàn toàn. Sự giác ngộ về chân lý của đời sống và vũ trụ là cái mà chúng ta gọi Niết Bàn. [4]
“Chân lý” mà Đức Phật khám phá được tóm gọn trong Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo. Đây mới là điểm đặc thù của Phật học. Tứ Diệu Đế gồm có Khổ, Tập, Diệt, Đạo, là tóm lược nguồn cội và cách giải thoát khỏi sự đau khổ. Đi sâu vào chi tiết, Bát Chánh Đạo là Đường một người cần phải đi qua để ngộ Niết Bàn, nơi giải thoát chung thẩm cho con người.
Như vậy, chỉ nhờ ngồi thiền một người bình thường có thể diệt vô minh để tìm ra chân lý và thành Phật (nhập Niết Bàn). Tuy nhiên, sau đó Phật vẫn phải chết như một người bình thường. Ngày hôm nay xác Phật tổ vẫn còn được chôn tại Kusinara, dưới chân rặng Hy Mã Lạp Sơn [5]. Không một ai biết một cách cụ thể chuyện gì xảy ra sau cái chết vì ngay chính Phật đã đi vào cõi chết mà không trở lại. Sáu mươi phần trăm đồng bào Việt Nam đặt định mạng của mình vào lời nói của Phật khi người còn sống cho nên lời nói đó cần phải được kiểm chứng. Công việc này tuy khó nhưng vẫn có thể làm được: đó là sự kiểm nghiệm Phật pháp với chính nó hay với niềm tin trong thực tế của người tin theo.

B. Giới hạn của Phật tổ

1. Vấn đề luân hồi

Theo Đức Phật chỉ có một hiện thực trường tồn, tự tồn tự tại là cõi niết bàn. Tất cả những thứ khác, ngay cả vũ trụ là vô thường. Nó có sinh và có tử nhưng không phải chỉ một lần mà vô số lần. Theo vũ trụ học Phật giáo, là một bản sao của vũ trụ học Ấn Độ giáo, vũ trụ hiện tại mà ta đang sống là một kiếp trong vô số chu kỳ của sinh (Nổ Lớn hay Big Bang) và tử (Sập Lớn hay Big Crunch) và đầu thai (Nổ Lớn hay Big Bang) lập đi lập lại miên viễn [6]. Mô hình vũ trụ này, theo danh từ khoa học, là mô hình vũ trụ giao động.
Bài này không đi sâu vào việc phân tích khoa học mô hình vũ trụ giao động; đọc giả có thể tìm ra lý luận phản bác trong các sách tham khảo [7,8,9]. Hiện tại, khoa học chấp nhận một mô hình là vũ trụ được bắt đầu với vụ Nổ Lớn tại một thời điểm xác định trong quá khứ. Trước đó, vũ trụ bốn chiều (cao, rộng, sâu, và thời gian) không tồn tại. Vũ trụ sẽ chết tại một thời điểm trong tương lai. Hình thức chết như thế nào thì vẫn còn đang trong vòng tranh cãi; nó tùy thuộc vào trọng khối của toàn thể vũ trụ. Nếu trọng khối lớn hơn một giá trị tối thiểu, vũ trụ sẽ chết trong vụ Sập Lớn. Ngược lại, nó sẽ chết trong một Đông Cứng Lớn (Big Chill) [10] vì nhiệt độ của nó sẽ giảm tới không độ tuyệt đối (0 độ Kelvin). Do đó đời sống của vũ trụ là hữu hạn cũng như của con người chứ không có luân hồi miên viễn như lời Phật dạy. (Đọc giả có thể xem thêm những luận cứ khác để phủ nhận thuyết luân hồi trong tài liệu [11].) Thực tế không thể chối cãi này đã đưa thuyết vũ trụ giao động vào quá khứ cùng với những triết lý liên đới.

2. Vấn đề Trời

Sau khi Hoàng tử Tất-Đạt-Đa Gô-ta-ma đã giác ngộ, một tì kheo đến hỏi người về một Đấng Tạo Hóa, người không trả lời. Người chỉ so sánh nhân loại như một người bị trúng tên độc. Trước tiên người ấy phải chữa lành vết thương trước đã chứ không nên hỏi ai đã bắn mũi tên này, tên làm bằng chất liệu gì, vân vân. Người nói rằng trước khi tìm ra được câu trả lời, nạn nhân chắc hẳn bị trúng độc chết [6]. Như vậy, Phật Thích Ca không dạy có cũng không dạy không có một Đấng Tạo Hóa (Trời). Vấn đề ở đây không phải là có hay không có một Trời mà là Đức Phật không biết có hay không. Thật không may nhiều người lợi dụng sự không biết của Phật Thích Ca để lôi kéo người khác chối bỏ Trời [6,12]. Lý luận của họ đi từ chỗ không biết về Trời, đến thấy Trời không cần thiết và vì không cần thiết nên hoàn toàn chối bỏ Ngài.
Ngược lại, thực tế chứng tỏ người Việt không bao giờ quên được Trời. Gần hai ngàn năm ảnh hưởng [13] Phật giáo không thể xóa được một chữ nhỏ “Trời” trên môi miệng của người Việt Nam. Ngày nay, sáu mươi phần trăm dân số Việt Nam tự nhận là Phật tử nhưng tin vào Trời là điều mà Phật không bao giờ dạy. Trong khi Phật không biết về Trời, người Việt vẫn tiếp tục gọi tên Trời, cầu xin Trời và đó là một phần không thể chối cãi của đời sống dân tộc Việt. Phật tử Việt Nam khi cầu xin đều có: “Lạy Trời” trước khi “Khấn Phật.” Người Việt Nam ai ai cũng biết những câu tục ngữ sau đây để mô tả Trời là Đấng Tạo Hóa Công Chính Toàn Năng:
Lạy Trời mưa xuống,
lấy nước tôi uống,
lấy ruộng tôi cày....
và:
Lưới Trời lồng lộng bao la,
Thưa mà chẳng lọt, chẳng qua mảy nào.
hay là:
Không nên dối gạt mọi người,
Dối người có thể, dối Trời được đâu.
hay là:
Người biết rõ mạng Trời cao rộng,
Thấy lợi to chẳng động lòng tham.
Có một câu hỏi rất quan trọng cho dân tộc Việt: Ai đã dạy cho người bình dân Việt Nam những câu ca dao tục ngữ trên để mô tả về Thiên Tính của Trời trong khi Phật im lặng trước vấn đề này?

C. Lời hứa của Trời

Lời hứa của Phật rằng cõi Niết Bàn giải thoát chúng ta khỏi những giới hạn của con người và cho phép chúng ta phá ra ngoài cái vỏ của sự ngộ nhận. Trong Niết bàn, đời sống thẩm thấu hết không gian, đi xuyên qua ba phạm trù của sự tồn tại và bao phủ cả mười hướng. Trong Niết Bàn, đời sống kéo dài từ cổ đại tới hiện tại không thay đổi và đời sống luôn luôn mới. [14]và:Người nào thành Phật, thấu rõ sự thật, người ấy có đầu óc tràn đầy trí tuệ sáng suốt. [15]rõ ràng đã bị thực tế của vũ trụ và thâm tâm của người Việt Nam phủ nhận. Trong khi đó theo Thánh Kinh, lời hứa của Đức ChúaTrời vẫn trước sau như một. Không giống như Đức Phật, Đức Chúa Giê-Xu, là Con Đức Chúa Trời, không chỉ mặt trăng và nói: “Ngón tay ta chỉ hướng mặt trăng nhưng ta không phải mặt trăng.”[16] Ngài không cần phải tu để ngộ chân lý, vì chính Ngài là Chân Lý. Và Ngài bày tỏ Chân Lý, nghĩa là chính Mình, qua lời phán: “Ta [Chúa Cứu Thế Giê-Xu] là Đường Đi [duy nhất], Chân Lý [duy nhất], và Sự Sống [duy nhất], chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha [Đức Chúa Trời].” (Đọc giả có thể tham khảo thêm tài liệu [17, 18] để biết thân vị Thượng Đế của Chúa Giê- Xu.) Do đó muốn “ngộ Chân Lý” để được sự sống đời đời, một người phải theo một “Chánh Đạo” duy nhất. Đó là “Ai tin Con [Đức Chúa Trời] thì được sự sống đời đời, ai không chịu tin Con thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó.” Điều nầy cho thấy một người không cần khổ công ngồi thiền hay cố gắng tu trì để ngộ chân lý. Một người chỉ cần tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-Xu là đã nhận được Chân Lý và sự sống đời đời vì chính Chúa là Chân Lý và Sự Sống. Kinh Thánh khẳng định, “Chẳng có sự cứu rỗi trong một Đấng nào khác, vì ở dưới trời chẳng có một danh nào khác ban cho loài người để chúng ta có thể nhờ đó mà được cứu.” Thật vậy, Chúa Cứu Thế Giê-Xu, Con Một Đức Chúa Trời, là con đường giải thoát duy nhất cho nhân loại. Một người khước từ Chúa Cứu Thế Giê-Xu tưởng rằng mình sẽ có nhiều kiếp nữa để tìm kiếm hoặc để tu sửa, nhưng đó chỉ là một ảo vọng. Bỏ đi cơ hội giải thoát do Chúa Giê-Xu ban cho thì kết quả sẽ vô cùng khủng khiếp vì mọi người chỉ có một kiếp duy nhất để “ngộ Chân Lý” mà thôi.

D. Kết luận

Có ít nhất hai lý do khiến chúng ta đi đến kết luận là Niết Bàn (và Đức Phật) không phải là chân lý: đó là sau khi nhập Niết Bàn, Đức Phật vẫn không biết về Trời và tiên đoán thiếu chính xác về vận mạng vũ trụ. Do sự bất kiến này, dân tộc Việt cần phải đánh giá lại con đường giải thoát mà lâu nay mình vẫn yên trí là đúng. Thực tế cho biết mọi người, ngay cả Phật tổ, phải đi qua cái chết một lần. Mỗi giây trôi qua bạn đi gần vào cái chết một chút. Ngày hôm nay bạn có sự bình an của Chúa ban cho để đối diện với cái chết không?
Lê Anh Huy, Ph.D.


Tài liệu tham khảo

  1. Fundamental Buddhism Explained Summary, http://www.fundamentalbuddhism.com/buddhism.htm
  2. "Hinduism and Buddhism" a comparison, http://sc.essortment.com/hinduismandbud_rtqs.htm
  3. Dr. Jerry L. Sherman, Buddhism Review, http://w3.tvi.cc.nm.us/~jersherm/rev_b.htm
  4. Venerable Master Hsing Yun, Nirvana, Buddhas Light International Association, CA 91745 USA, p. 2 (1999)
  5. Pat Zukeran, Buddhism, http://www.probe.org/docs/buddhism.html
  6. The Buddhist Society of Western Australia, What Is Buddhism? http://www.enabling.org/ia/vipassana/Archive/B/BuddhistSocietyOfWesternAustrailia/whatsBuddhism.html
  7. Gerald Schroeder, Genesis and the Big Bang, Bantam Books, pp. 70-81 (1990)
  8. Steven Weinberg, The First Three Minutes, BasicBooks, p. 154 (1988)
  9. Paul Davies, The Last Three Minutes, BasicsBooks, p. 145 (1994)
  10. Michio Kaku, Hyperspace, Anchor Books, pp. 299-300
  11. Lê Anh Huy, Đau Khổ Việt Nam, http://www.hoptinhhoply.org
  12. Hòa Thượng Narada, Phạm Kim Khánh dịch, Đức Phật và Phật Pháp, http://www.saigon.com/~anson/uni/u-dp&;pp/dp&pp23.htm (1980)
  13. Phạm Cao Dương, Lịch Sử Dân Tộc Việt Nam, Q. 1, Truyền Thống Việt, tr. 161 (1987)
  14. Venerable Master Hsing Yun, p. 12
  15. Ernest K. S. Hunt, Tịnh Minh dịch, Đức Phật và Giáo Pháp của Ngài, http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/ducphatvagiaophap3.htm
  16. Hòa Thượng Thích Trí Quang dịch, Kinh Viên Giác, Chương Thanh Tịnh Tuệ, http://www.buddhismtoday.com/viet/kinh/dt/015-viengiac2.htm#6
  17. Mục sư Nguyễn Văn Huệ, Người Việt và "ông Trời", http://www.hoptinhhoply.net
  18. Chúa Giê-Xu là Hiện Thân "ông Trời" Giáng Thế, http://www.hoptinhhoply.net
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...