Monday, September 3, 2012

Sống hay Tồn Tại?


Hamlet là nhân vật nổi tiếng của đại văn hào William Shakespeare. Không phải người ta đánh giá qua sự nổi tiếng của tác giả mà họ nhận được cảm xúc từ câu chuyện xung quanh chàng hoàng tử Hamlet cùng với bối cảnh hoàng tộc, nơi chàng được sinh ra và cũng chính nơi đó đã tạo cho anh có một mối thù gia tộc. Kẻ thù không ai khác chính là chú ruột của anh, đương kim Hoàng đế Claudius, ông ta đã mưu phản, giết chết nhà vua, đoạt ngai vàng và người mẹ yêu dấu của anh.

Có lẽ nhiều đêm trăn trở với ý muốn trả thù và có lần anh đã tìm được cơ hội tiếp cận kẻ đoạt ngai vàng nhưng anh đã không muốn ra tay vì tên vua độc ác đang cầu nguyện và anh sợ rằng trả thù trong khi kẻ thù cầu nguyện linh hồn sẽ được lên thiên đàng sẽ không xứng đáng với tội mưu sát cha mình. Ngược lại, vua Claudius nổ lực tìm cách giết chàng để trừ hậu hoạ. Cuối cùng ông ta đã thắng, khi tổ chức cuộc đấu kiếm giữa anh và Laertes. Nhà vua cho người tẩm thuốc độc vào lưỡi gươm và anh đã bị mũi kiếm tai hại đó kết liễu đời mình.


Trong bối cảnh xã hội luôn thay đổi, cái thiện và cái ác pha trộn vào nhau khiến chúng ta khó lòng nhận ra được cái thật, giả. Chính vì vậy mà sự quyết định cho mình lối sống thật sự là sống là vấn đề không thể cho là đơn giản chút nào. Đôi khi cần phải suy nghĩ, ta đang tồn tại hay đang thật sự sống. Sự tồn tại hay là sự hiện hữu chỉ chứng minh cho biết rằng mình còn đó cùng với mọi người chẳng khác nào sự tồn tại của một vật thể trống rỗng bên trong và hoàn toàn vô dụng.

Sự tồn tại cần phải có sự sống bên trong để điều khiển cái lớp vỏ được tồn tại bên ngoài và cái sống động bên trong mới thật sự là cái tinh tuý của sự sống. Hamlét đã từng sống hay chỉ tồn tại? Khi anh ta đã để vuột mất cơ hội hành động để dành lấy sự sống an toàn. Nhưng sự an toàn đó đã không đến với anh vì anh đã không nhìn thấy cơ hội lớn đó. Từ đó cuộc đời Hamlét đã lâm vào hoàn cảnh như một sự tồn tại và thân xác anh trở thành lớp vỏ bọc của sự hiện hữu và tâm trí anh đã mất đi sư tinh tế của một Hoàng Tử vốn có thể trở thành vị vua cai trị đất nước mình.

Giai thoại kể rằng, có một người lính La mã cảm thấy cuộc sống quá khốn khổ, anh ta mất hết tinh thần, nhuệ khí, những ngày tháng trôi qua đối với anh chỉ là chuổi ngày đau khổ. Anh lính đến xin phép hoàng đế cho anh được tự sát để kết liểu đời mình. Nhà vua nhìn anh và hỏi: "Nầy, đã có lúc nào nhà ngươi thực sự sống chưa mà xin chết?" Có người đã định nghĩa:"Chết là không còn sống, không còn tồn tại trên đời" Nhưng sống không có nghĩa là chưa chết. Nó đòi hỏi một tiêu chuẩn cao hơn. Sống cần phải làm điều gì có ý nghĩa thật sự.

Các nhà nghiên cứu đã khảo sát ba thành phần: các vận động viên, những người trong nhà dưỡng lão, và các bệnh nhân trong cơn hấp hối. Thành phần thứ nhất thật sự sống trong thân thể khoẻ mạnh, thành phần thứ hai là sống đủ để sống và cuối cùng là những người chỉ "sống thoi thóp" chờ đợi giây phút qua đời. Trong lãnh vực tinh thần. Có những người đang thực sự sống trong lý tưởng vững vàng, biết cống hiến khả năng của mình cho người, cho đời, những người khác thì ráng sống cho qua ngày và chỉ sống với chính mình, không quan tâm đến người khác, và cũng có những người chưa thật sự sống, những ngày tháng trôi qua trên mặt đất này cũng chỉ là những chuỗi ngày buồn nản và chán chường, như câu hỏi của vị vua trong giai thoại: "đã có lúc nào nhà ngươi thực sự sống chưa?"

Có thể chúng ta đã chịu quá nhiều sự nghiệt ngả của một xã hội lừa dối, nhân phẩm con người bị coi khinh, xem mạng người rẻ hơn thau cám lợn và cuộc sống đó trở nên quen thuộc, khi không còn ý chí đấu tranh cho sự sinh tồn thì con người trong xã hội nghiệt ngả đó cũng chỉ là sự tồn tại, tồn tại trong sự thoi thóp của một đời người, trong im lặng và tiếp nhận những gì trước đây mình không chấp nhận.

Thánh đồ Phao-lô đã nhận xét sự tồn tại liên quan đến sự sống khi ông nhận ra ông đã chết thật sự trong tội lỗi, đó chỉ là sự tồn tại nhưng không thực sự sống cho đến khi chính Chúa Cứu Thế đã thương xót tha thứ, cứu chuộc ông, là cho ông trở nên sống động (Galati 2:20) Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi;... Động cơ của sự sống không chỉ dựa vào cái thân xác hiện hữu nhưng còn dựa vào sự sống của Đấng Phục sinh. Sự sống đó tiềm ẩn bên trong, là hoạt động lực của sự sống, cho dù phải đối diện với hoàn cảnh nào, nghèo, giàu, hay đối diện với nghịch cảnh khủng khiếp hơn hoàn cảnh của chàng Hamlet thì năng lực đó vẫn tồn tại trong một thân xác hay chết để tạo nên một thân xác có sự thay đổi, sống động, tinh tế và hướng thượng.

Sống, hay tồn tại? là triết lý cuộc đời, nó giúp cho chúng ta phải suy nghĩ, hành động một cách khôn ngoan đem lại cho đời thêm nhiều ý nghĩa. Chúng ta tồn tại, vì chúng ta sống. Không phải chúng ta sống vì chúng ta tồn tại.

T.Nguyễn
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...