Thursday, September 20, 2012

Nhận diện hiểm họa của sóng thần

(PL&XH) - Các nguyên nhân hình thành sóng thần có rất nhiều: do thời tiết, núi lửa dưới đáy biển phun trào, các thiên thạch rơi xuống biển, trận xói mòn đất lớn đổ xuống đại dương hoặc do động đất dưới đáy biển.

Không kể đến những thiệt hại kinh hoàng về người và của, đợt sóng thần đổ ập vào bờ biển của 8 quốc gia châu Á và một số nước châu Phi trong ngày 26-12-2004 và ngày 11-3-2011 tại Nhật Bản đã có sức mạnh kinh khủng, sức tàn phá đến mức như thế nào! Vậy sóng thần là gì, nó được hình thành như thế nào mà lại có sức tàn phá lớn như vậy?

Các trận sóng thần kinh khủng nhất trong lịch sử
Trước hết thuật ngữ sóng thần - Tsunami bắt nguồn từ Nhật Bản (Tsu là sóng; Nami là cảng) bởi đây là hiện tượng thường xuyên xảy ra với đất nước Mặt trời mọc và được cộng đồng khoa học thế giới chấp nhận năm 1963, dùng để chỉ những đợt sóng biển to và cao trên 10m bất ngờ đổ ập vào bờ với sức lan tỏa tàn phá vô cùng thảm khốc đối với sinh mạng cùng tài sản con người.
Theo sách kỷ lục thế giới, trận sóng thần làm chết nhiều người nhất xảy ra ngày 15-6-1896 là 27 nghìn người bị một đợt sóng thần cao tới 23m ập tới sau một trận động đất ngoài khơi Nhật Bản đã cướp đi mạng sống. Trước đó, ngày 27-8-1883 tại Indonesia, những trận sóng cao ngất xuất hiện đã cướp đi sinh mạng của 36 nghìn người trên bờ biển Java và Sumatra sau khi núi lửa Krakatau phun trào dữ dội. Ngày 31-3-1906, một trận động đất ngoài khơi đã nhấn chìm một phần vùng Tumaco (Colombia) và cuốn đi tất cả những ngôi nhà ở vùng biển giữa Rioverde, Ecuador, Micay và Colombia, khiến 1500 người đã thiệt mạng. Ngày 22-5-1960, một đợt sóng thần cao đến 10m đã làm thiệt hại 1000 người dân nước Chile.
Cơn sóng thần này còn gây thiệt hại đến đảo Hawai làm 61 người chết. Vùng biển Philippines và Okinawa của Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng của đợt sóng thần này. Ngày 28-3-1964, trận động đất mạnh 9,2 độ Richter ở Alaska đã gây ra đợt sóng thần tràn vào bờ biển, tàn phá 3 làng và 107 người thiệt mạng ở vùng này. Ngày 16-8-1976, sóng thần tại vịnh Moro của Philippines cũng cướp đi 5000 sinh mạng. Ngày 17-7-1998, sóng thần đã làm 2.100 người chết tại Pagua New Guinea. Và, mới đây nhất như chúng ta đã biết là trận động đất và sóng thần tại Nhật Bản xảy ra ngày 11-3-2011.
Lưỡi sóng thần...
Các nguyên nhân hình thành sóng thần có rất nhiều: do thời tiết, núi lửa dưới đáy biển phun trào, các thiên thạch rơi xuống biển, trận xói mòn đất lớn đổ xuống đại dương hoặc do động đất dưới đáy biển. Sóng thần hình thành bởi yếu tố thời tiết thường xảy ra khi có bão lớn ngoài biển và có nguồn gốc từ sự biến dạng đột ngột bề mặt địa hình dưới đáy biển, hoặc do núi lửa dưới lòng đại dương phun trào là có sức tàn phá mạnh mẽ và kinh khủng nhất. Còn về nguy cơ va chạm thiên thạch, các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng về một vụ va chạm thiên thạch lớn mà họ dự đoán đã tạo nên cơn sóng thần quét qua trái đất, làm ngập lụt mọi thứ, trừ những ngọn núi đã xảy ra cách đây khoảng 3,5 triệu năm. Đây có lẽ là trận đại hồng thủy hủy diệt loài người mà trong kinh thánh đã nhắc đến?
Thực tế khảo sát các sóng thần do động đất gây ra cho thấy, không phải hễ có động đất dưới lòng đại dương là gây ra sóng thần, mà thường chỉ có những trận động đất có cường độ mạnh nhất mới có thể gây ra sóng thần (thường là trên 7 độ Richter mới có thể gây ra sóng thần). Ngoài ra, động đất gây ra sóng thần cũng phải có những yếu tố đặc biệt, chính vì thế không phải trận động đất mạnh nào cũng gây ra sóng thần.
Đơn cử trận động đất xảy ra lúc 0g58 phút 50 giây (giờ Quốc tế) ngày 27-8-1883 tại phía Tây bắc ngoài khơi đảo Sumatra của Indonesia lên tới 9 độ Richter và ở độ sâu hàng nghìn mét. Trận động đất này xảy ra do thềm lục địa Ấn Độ Dương không ổn định, di chuyển về phía Đông Bắc và va chạm với thềm lục địa đảo Sumatra gây nên chấn động địa chất rất mạnh.
Sự nâng lên và hạ xuống bất chợt của hai khối thạch quyển này đã đẩy mạnh đột ngột hàng tỷ mét khối nước trong lòng đại dương và tạo ra cơn sóng thần lan truyền với vận tốc hơn 800km/giờ. Tương tự như ở trận động đất xảy ra ngày 11-3-2011 tại Nhật Bản cũng vậy! Nhưng tại sao lại có sự di chuyển của hai khối thạch quyển trên?
Để nắm bắt được vấn đề, ta có thể hình dung bề mặt trái đất bên dưới lớp đất chúng ta đang đứng là các khối kiến tạo vỏ trái đất mà chủ yếu là đá nên người ta mới gọi chúng là các khối thạch quyển. Các khối này liên tục vận động với nhiều nguyên nhân khác nhau. Một trận động đất là hệ quả sau cùng của một quá trình tích lũy ứng suất chậm chạp, dai dẳng tại các điểm nối giữa các khối thạch quyển với nhau. Khi lực tích lũy này đủ lớn, mặc dù các khối thạch quyển đã cố gắng kháng cự lại đến mức tối đa, đến một thời điểm nào đó, liên kết giữa hai khối thạch quyển đột ngột bị phá vỡ, trượt qua nhau, giải phóng năng lượng dưới dạng các sóng địa chấn.
Trên đất liền, sự đứt gãy liên kết này được cảm nhận như những trận động đất, còn dưới biển, sự trồi sụt của vỏ trái đất dẫn đến hình thành các con sóng thần có thể băng qua các đại dương trong vài giờ và rồi đổ ụp xuống vùng nước nông của một lục địa nào đó dưới dạng các con sông vĩ đại. Tiếp đến, khi các khối thạch quyển đã tách nhau ra trước đó, chúng sẽ di chuyển hoặc tách hẳn ra xa hoặc xô lại gần nhau. Nếu chúng lại va vào nhau sẽ tiếp tục tạo rung chuyển trên bề mặt trái đất. Còn khi chúng rời xa nhau, khiến cho phần ở giữa sụt xuống.
Sóng thần không phải là một con sóng đơn lẻ mà là một loạt đợt sóng liên tiếp. Nó có thể dài tới 100km và đến cách nhau khoảng 1 giờ. Sóng thần có thể vượt toàn bộ đại dương mà không bị mất đi sức mạnh. Đợt sóng đầu tiên trong cơn sóng thần không hẳn là kinh hoàng nhất. Mảnh đất càng gần với nơi tạo ra sóng thần sẽ càng bị tấn công nhanh hơn. Ở vùng nước sâu, sóng thần có thể di chuyển mà không thể nhận biết với tốc độ cực lớn, vượt qua toàn bộ đại dương trong một ngày hoặc ít hơn.
Sóng thần có thể cao không quá 30cm ở giữa đại dương và khó có thể nhận ra nhưng nó di chuyển băng băng ở phía dưới, khi tới vùng đất nông, nó giảm dần tốc độ, dồn nén năng lượng và dâng cao vút ngay lập tức. Những đặc điểm địa hình như vách núi, vịnh, cửa sông và những cấu trúc dưới biển có tiêu giảm sức mạnh của sóng thần. Nhưng ở những nơi khác, sóng thần có thể vươn cao đến 30m. Lưỡi sóng thần có thể xâm lấn lục địa khoảng 300m hoặc xa hơn.
Sức mạnh kinh khủng của sóng thần có thể nhấc bổng các tảng đá lớn, lật đổ xe cộ và phá hủy các cơ sở xây dựng kiên cố nhất. Sóng thần không nhất thiết đổ bộ bằng một loạt các con sóng dữ. Nó có thể giống như một đợt thủy triều nhanh. Trường hợp này thường đi kèm với xoáy nước, hút mọi người ở dưới và tung các đồ vật nặng ở phía trên.
Có phải việc dự báo luôn đúng?
Thời gian xuất hiện của sóng thần có thể dự báo dựa vào sự chênh lệch giữa thời gian truyền sóng từ chấn tiêu động đất khi đi qua các lớp đất đá bên dưới đến trạm quan sát động đất, thường thì vận tốc truyền sóng này vào khoảng 5.000m/giây và thời gian truyền của sóng thần, tức sóng cơ học trên mặt nước khoảng 100km/giờ. Những vùng bị sóng thần tàn phá mới đây ở các nước châu Á có chung một điểm là sau khi động đất xảy ra hơn 2 giờ sau mới thấy sóng thần xuất hiện, khoảng thời gian như vậy đủ để sơ tán mọi người khỏi những khu vực nguy hiểm.
Từ những năm 60 của thế kỷ trước, hệ thống cảnh báo sóng thần (TWS) ở Thái Bình Dương đã được thành lập với 26 quốc gia thành viên. Hệ thống này đánh giá những trận động đất tiềm năng và cảnh báo về sóng thần, chưa có hệ thống cảnh báo sóng thần quốc tế ở Ấn Độ Dương.
Tất nhiên không phải bao giờ việc dự báo cũng đúng, cho nên nếu như việc dự báo không đúng xảy ra nhiều lần sẽ dẫn đến việc coi thường, nhất là vùng quần đảo Sumatra từ trước đến nay chưa xảy ra những động đất có kèm theo sóng thần bao giờ nên việc dự báo dễ bị xem nhẹ. Sau những trận sóng thần xảy ra những năm qua, chính phủ các nước trong khu vực đã và đang gấp rút đầu tư cho việc nghiên cứu về động đất cũng như dự báo về sóng thần nhằm tránh những thảm họa do sóng thần gây ra.
Trí Hải
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...