Wednesday, September 19, 2012

Hội Nhập Văn Hóa và Giáo Lý


Bài Thuyết Trình của Bùi Hữu Thư trong Ðại Hội Triết Ðạo Kỳ III, tháng 7, 2000

Ðịnh Nghĩa Văn hóa:
Theo nhân chủng học, lối sống của một xã hội con người được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng cách học hỏi (một ngôn ngữ hay các dấu hiệu khác) và bằng kinh nghiệm. Các yếu tố hoàn vũ của văn hóa bao gồm tổ chức xã hội, tôn giáo, cấu trúc, tổ chức kinh tế, và văn hóa vật chất (dụng cụ, vũ khí, trang phục).(Electronic Dictionary)

Hội nhập văn hóa:
Hội nhập văn hóa là một từ ngữ mới cho một bổn phận cũ là kết hợp và bản xứ hóa sứ điệp Ki-tô giáo vào các văn hóa và dân tộc khác nhau trên thế giới. Thánh Phao-lô và các nhà truyền giáo tiên khởi đã đáp ứng những thách đố của việc hòa nhập với đám đông các tín nhữu không phải là người Do Thái. Công Ðồng Vatican II đã dạy là Phúc Âm cần phải được nhập thế trong mọi văn hóa để cứu rỗi mọi dân tộc (A Concise Dictionary of Theology, Gerald O'Collins, t. 104)
Hội nhập văn hóa có nghĩa là "sự xâm nhập của Phúc Âm vào tầng lớp sâu thẳm nhất của con người và các sắc dân làm cho họ bị đánh động sâu xa, 'đi sâu vào chính trọng tâm và gốc rễ' của các nền văn hoá của họ" (GDC, 109).
Ngay từ khi bắt đầu cố gắng hoàn tất lệnh truyền của Chuá Giê-su là rao giảng Phúc Âm cho mọi dân nước, hội nhập văn hóa là một sự lo lắng thường xuyên của Giáo Hội. Ðức Tin Ki-tô giáo được xuất phát từ tôn giáo và văn hóa cuả người Do Thái, đã được "phiên dịch" và ""du nhập" vào các sắc dân Hy Lạp, Ý, và Pháp- Ðức, và kể từ thế kỷ 16, nhờ hoạt động ào ạt của các nhà truyền giáo, đã được đưa vào các sắc dân bên ngoài Âu Châu. Ngày nay, vì hiện tượng đa văn hoá lan tràn, ngay cả trong vùng Âu Châu và Bắc Mỹ, Giáo Hội đã có một ý thức sắc bén hơn về nhu cầu phải "hội nhập" Phúc Âm vào các nề" văn hóa khác nhau.
Như Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II đã nêu lên, có một hoạt động song hành trong thể thức này: một sự xâm nhập của Phúc Âm vào một môi trường văn hoá xã hội đặc biệt và một sự giới thiệu người dân của môi trường này, cùng với nền văn hóa của họ, với Giáo Hội (Redemptoris Missio, 52). Kết quả là, có một sự hỗ tương trong việc làm phong phú hóa và cải tiến giữa nền văn hóa điạ phương và đức tin Công Giáo. Do đó, rõ ràng rằng hội nhập văn hoá không chỉ là một trào lưu chóng qua, mà là một trách vụ thường trực và quan trọng về việc Phúc Âm hoá và giáo lý. ("Faith in Cultures, Phan Dinh Cho, t. 1) 

Giáo lý và văn hóa đương thời

Chúng ta có thể nói về giáo lý và việc rao truyền Phúc Âm nói chung là được kêu gọi để đem sức mạnh của Phúc Âm vào trọng tâm của các nền văn hóa. Cần luôn luôn nhớ rằng lịch sử của giáo lý, nhất là về thời kỳ các giáo phụ, trên nhiều phương diện, là lịch sử của sự hội nhập đức tin, và do đó đáng được nghiên cứu và suy xét kỹ lưỡng. Ðồng thời đây cũng là một lịch sử không đóng kín đòi hỏi những giai đoạn sát nhập lâu dài của Phúc Âm. (GDC 202)
Trách vụ của giáo lý trong việc hội nhập văn hóa của đức tin
Các trách vụ này gồm có:
- tìm hiểu kỹ càng nền văn hóa của các dân tộc và mức độ xâm nhập trong đời sống họ.
- nhận biết có một chiều kích văn hóa trong chính Phúc Âm, và nhận biết rằng Phúc Âm không thể bị tách rời ra khỏi các nền văn hóa trong đó Phúc Âm đã được rao giảng và đã tìm được lối diễn tả qua nhiều thế kỷ.
- tuyên xưng sự thay đổi sâu xa, sự trở lại mà Phúc Âm, như một nguồn lực "biến cải và tái tạo" hoạt động trong nền văn hóa.
- làm nhân chứng cho sự siêu việt và bất tuyệt của Phúc Âm về phương diện văn hóa, đồng thời nhận biết những hạt giống Phúc Âm có thể hiện diện ngay trong nền văn hóa.
- thúc đẩy một lối diễn tả mới của Phúc Âm cho phù hợp với nền văn hóa được rao giảng, để tìm một ngôn ngữ của đức tin có thể là di sản của tín hữu và do đó là một yếu tố căn bản của sự hòa đồng.

- duy trì nguyên vẹn nội dung của đức tin và bảo đảm sự hình thành về học thuyết của truyền thống được giải thích và diễn tả, trong khi chú ý đến các tình trạng văn hóa và lịchsử của những người được giảng dạy, và tránh không làm biến dạng hay làm sai quấy nội dung. (GDC 203)

Những ai có trách nhiệm về phương thức hội nhập văn hóa

Việc hội nhập văn hóa cần có sự liên hệ của tất cả Dân Chúa, và không chỉ là một số ít các nhà chuyên nghiệp, vì phản ứng của dân chúng cho "sensus fidei" (cảm thức đức tin) là điều chúng ta không thể quên lãng. Hội nhập văn hóa cần được hướng dẫn và khuyến khích, nhưng không được ép buộc, nếu không sẽ gây ra những sự chống đối. Hội nhập văn hóa phải là một sự diễn tả của đời sống cộng đồng, một đời sống trưởng thành ngay bên trong cộng đồng mà không phải là kết quả của những cuộc nghiên cứu tinh vi. Nỗ lực nhập thể Phúc Âm là trách vụ chính của hội nhập văn hóa, đòi hỏi" sự hợp tác về giáo lý của tất cả những ai cùng sống trong một hoàn cảnh văn hóa - giới tu sĩ, các người lo việc mục vụ (giáo lý viên) và giáo dân. (GDC 206)

Các hình thức và phương tiện có đặc quyền

Trong các hình thức thích hợp nhất cho việc hội nhập văn hóa về đức tin cần nhớ đến giáo lý cho người trẻ và người lớn trên phương diện các giáo lý này có thể làm giao hòa đức tin và đời sống tốt hơn. Hội nhập văn hóa cũng không được quên lãng giáo lý nhập môn cho các trẻ em chính vì khía cạnh văn hóa quan trọng của thể thức này.
Một phương tiện đặc quyền là giáo lý về các nghi thức phụng vụ với những dấu hiệu dồi dào để diễn tả sứ diệp Phúc Âm và khả năng đạt tới phần lớn Dân Chúa. Bài giảng ngày chủ nhật, nội dung của các bài đọc, và cấu trúc của niên lịch phụng vụ phải được quý chuộng cùng với những dịp khác đặc biệt cho giáo lý (hôn nhân, đám tang, thăm viếng người bệnh, ngày lễ các thánh quan thầy, v..v... Việc chăm sóc cho gia đình luôn luôn là trọng tâm, vì đây là môi trường chính cho một sự truyền giáo nhập thể của đức tin.
Trong việc tiếp nhận và tuyên xưng đức tin, giáo lý cũng nhấn mạnh đặc biệt về các tình trạng đa chủng tộc, đa văn hóa để đưa đến một sự khám phá và yêu chuộng nhiều hơn" các tài nguyên của nhiều nhóm người khác nhau. (GDC 207)

Ngôn ngữ

Dưới một vài khía cạnh, hội nhập văn hóa của đức tin là một trách vụ về ngôn ngữ. Ðiều này có nghĩa là giáo lý tôn trọng và quý chuộng ngôn ngữ thích hợp cho sứ điệp, nhất là ngôn ngữ của Thánh Kinh, cũng như ngôn ngữ lịch sử và truyền thống của Giáo Hội (tín lý, phụng vụ) và ngôn ngữ học thuyết (các sự hình thành học thuyết). Giáo lý cũng cần đối thoại với các hình thái và ngôn ngữ thích nghi cho nền văn hóa đối tượng. Cuối cùng giáo lý phải thúc đẩy những lối diễn tả mới của Phúc Âm trong văn hóa được vun trồng. Trong thể thức hội nhập hóa Phúc Âm, giáo lý không được sợ sệt trong việc dùng các công thức truyền thống và ngôn ngữ kỹ thuật của đức tin, mà phải diễn tả ý nghĩa và chứng minh sự hiện hữu quan trọng của giáo lý. Cũng vậy, phận sự của giáo lý cũng là "dùng tiếng nói của học sinh, các nhà trí thức và khoa học gia; ngôn ngữ của những người thất học hay thuộc về những văn hóa thô sơ; ngôn ngữ của người tàn tật, v.. v... 
(GDC 208)

Phương tiện truyền thông

Ðược kết nối mật thiết với vấn đề ngôn ngữ là phương tiện thông tin. Một trong các phương tiện hữu hiệu và phổ thông nhất là truyền thông đại chúng. Việc Phúc Âm hóa một nền văn hóa tân thời tùy thuộc phần lớn vào sự hữu hiệu của các phương tiện truyền thông đại chúng.
Ðể được hữu ích trong việc hội nhập văn hóa, cần phải tôn trọng giới truyền thông về khả năng truyền đạt của từng loại: báo chí, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, và mạng lưới hoàn cầu. Ngoài ra chúng ta cần lưu tâm đến các khía cạnh sau đây: (1) nhận thức tầm quan trọng của việc xử dụng cân đối ngôn ngữ của hình ảnh và lời; (2) bảo toàn ý nghĩa tôn giáo thích đáng của các hình thức diễn tả đã được lựa chọn; (3) cổ võ sự trưởng thành của khán thính và độc giả giúp họ có những nhận định cá nhân về những gì tiếp nhận được của giới truyền thông; (4) sản xuất các tài liệu trợ huấn cho giáo lý phù hợp với mục đích này và (5) cộng tác hữu hiệu với tất cả những ai tham dự vào các nỗ lực mục vụ.
Giáo lý và nhất là Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo là trọng tâm cho thể thức hội nhập văn hóa, và phải được dùng để trình bày rõ ràng tất cả các dịch vụ khác nhau nhắm vào việc hội nhập văn hóa.
Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đặc biệt kêu gọi việc soạn thảo các giáo lý địa phương, tổng hợp những phóng tác đòi hỏi bởi các nền văn hóa, các lớp tuổi tác, các tu đức khác nhau, và các tình trạng xã hội và tôn giáo của những người tiếp nhận. (GDC 209)

Môi trường nhân chủng và các khuynh hướng văn hóa

Phúc Âm tìm kiếm một giáo lý cởi mở, rộng rãi và can đảm trong việc đến với mọi người ngay tại nơi sinh sống cuả họ, nhất là ngay tại những môi trường có sự trao đổi văn hóa sơ khởi và căn bản xảy ra, như gia đình, trường học, sở làm và nơi giải trí.
Ðiều quan trọng cho giáo lý là phải nhận định và xâm nhập được những môi trường này. Vì chính ở đây có các khuynh hướng văn hóa chính có ảnh hưởng lớn trên việc cấu tạo và biểu hiện những mâu thuẫn về các mẫu mực của đời sống: như đời sống thị thành, hiện tượng di dân hay sự tràn ngập của du khách, thế giới người trẻ và các hiện tượng xã hội liên hệ khác. Thực vậy có rất nhiều lãnh vực phải được soi sáng bởi ánh sáng của Phúc Âm, nhất là những lãnh vực văn hóa mệnh danh là các hiện tượng tân thời như truyền thông, tranh đấu dân sự cho hòa bình, phát triển và giải phóng các dân tộc, bảo vệ sự sống; bảo vệ nhân quyền, nhất là quyền của các sắc dân thiểu số, phụ nữ và trẻ em; các nghiên cứu khoa học và bang giao quốc tế. (GDC 211)

Can thiệp vào các tình trạng cụ thể

Thể thức hội nhập văn hóa do giáo lý điều khiển thường xuyên được kêu gọi để đối phó với nhiều tình trạng cụ thể. Sau đây là một vài tình trạng thường xẩy ra. Trước hết, cần phân biệt việc hội nhập văn hóa tại các quốc gia mới gia nhập Ki-tô giáo, nơi việc tuyên xưng Phúc Âm cần được củng" cố, với các quốc gia có truyền thống Ki-tô lâu đời cần được canh tân về Phúc Âm.
Cần chú ý đến các tình trạng dễ gây ra các sự xung đột và căng thẳng vì các yếu tố như đa chủng, đa tôn giáo, khác biệt về trình độ phát triển đôi khi hết sức đối chọi: lối sống thành thị và ngoại ô; các hệ thống tư tưởng chính trong vài quốc gia bị ảnh hưởng mạnh mẽ vì quá giáo dân hóa, hay ngược lại quá giáo phẩm hóa. Cuối cùng, hội nhập văn hóa tìm kiếm sự tôn trọng giá trị của các khuynh hướng văn hóa của một quốc gia đặc biệt, được biểu tượng bởi các đẳng cấp xã hội và chức nghiệp, như phái nam và phái nữ trong lãnh vực khoa học và văn hóa, thế giới của các nhân công, giới trẻ, những kẻ sống ngoài lề xã hội, người ngoại quốc, và người tàn phế. Nói cách chung, "việc đào tạo các giáo hữu phải chú trọng đặc biệt đến nền văn hóa địa phương, vì đã đóng góp cho chính việc đào tạo này. Ngoài ra việc đào tạo cũng sẽ giúp đỡ cho việc phân định giá trị đã được ghép ráp theo truyền thống hay đã được đề nghị trong những sinh hoạt đương thời. Cần chú ý đến các văn hóa khác nhau có thể hiện hữu cùng một lúc trong một dân tộc, trong cùng một dân tộc hay quốc gia. (GDC 212) 

Trách vụ của giáo hội địa phương

Tầm quan trọng của vấn đề, cũng như giai đoạn thiết yếu của việc nghiên cứu và thử nghiệm đòi hỏi những sáng kiến được hướng dẫn bởi các vị lãnh tụ giáo hội sáng suốt." Chúng ta phải kể đến:

- sự phổ biến rộng rãi giáo lý để vượt qua được tình trạng kém hiểu biết hay hiểu biết sai lạc, đây là trở ngại lớn nhất cho mọi nỗ lực hội nhập văn hóa: điều này cho phép có sự đối thoại và tham dự trực tiếp cuả những người có thể ấn định những phương thức hữu hiệu nhất cho việc truyền bá Phúc Âm.

- thực hiện những kế hoạch tại những thí điểm về hội nhập văn hóa đức tin bên trong chương trình thiết lập bởi Giáo Hội: Giáo lý cho người nhớn theo giáo lý tân tòng (RCIA) đóng một vai trò có ảnh hưởng đặc biệt về phương diện này.
- nếu trong cùng một khu vực của giáo hội có nhiều nhóm sắc dân nói các thổ ngữ khác nhau, tốt hơn cả là nên dịch các sách hướng dẫn ra nhiều thứ tiếng, để thúc đẩy bằng phương tiện của các trung tâm giáo lý, một dịch vụ giaó lý thuần nhất cho mỗi nhóm.

- thực hiện một đối thoại về học hỏi hỗ tương và cảm thông giữa các Giáo Hội, và giữa các Giáo Hội này và Tòa Thánh: điều này cho phép chứng nhận các kinh nghiệm, tiêu chuẩn, chương trình, trợ huấn cụ và một sự hội nhập văn hóa được cập nhật hóa hơn. (GDC 213-214)

Kinh Nghiệm Hội Nhập Văn Hóa về Giáo Lý tại Á Châu

Công Giáo Trung Hoa Thời Khai Nguyên

Các thừa sai Gia Tô Hội (Dòng Tên) đặc biệt là linh mục Lợi Mã Ðậu (Mathieu Ricci 1552-1610) đã đem giáo nghĩa của Thiên Chúa Giáo cùng các nho học của Khổng Tử so sánh với nhau. Các thừa sai sống hòa mình vào mọi giới, mặc y phục Trung Hoa, ăn uống như người Tầu, nói tiếng Tầu, đọc và viết thông thạo chữ Hán. Tinh thần Ki-tô giáo lọt vào quần chúng qua các bài thuyết trình, diễn văn và sách vở của cha Lợi Mã Ðậu. Cha chủ trương kính trọng và bảo vệ giá trị của văn hóa Trung Quốc: lòng hiếu thảo cha mẹ, phong tục lễ bái, việc suy tôn Ðức Khổng Tử. Do đó nhiều người trong giới trí thức quan lại, bác học, hoàng tộc, cũng như thường dân từ thôn quê đến thành thị, cả ở Bắc Kinh cũng xin theo đạo. Niên hiệu Sùng Chính (1644) vua Hy Tông do thiện cảm với Công Giáo đã tỏ ý muốn theo đạo. Vào lúc đó Bắc Kinh đã có hai thánh đường được xây cất. Các thừa sai mang họ Trung Hoa, dịch kinh sách từ La tinh hay Bồ Ðào Nha và Ý qua Hán tự, tiêu biểu nhất là cuốn Thiên Chúa Giáo Thực Nghĩa của cha Lợi Mã Ðậu.
Dưới triều Minh, Quảng Ðông là nơi xuất phát của Tân Khổng Giáo. Tân Nho Giáo rất thịnh hành nhưng chính tại Quảng Ðông và Phúc Kiến lúc bấy giờ lại là nơi đạo Chúa được tiếp nhận. Các giáo sĩ tây phương được tự do truyền đạo. Tân Nho Giáo với các danh nho Quảng Ðông lại rất gần gũi với Gia-tô giáo, không mâu thuẫn trong đại quan tư tưởng về Trời, về đạo Nhân, về linh hồn và thế giới thần linh. (Cao Thế Dung, Dân Chúa 6/00, t. 9)

Công Giáo và Ðạo Thờ Trời trong Nho Giáo

Các nhà nho Trung Hoa cho rằng Thiên Chúa trong Gia-tô giáo cùng với Ðế, Thượng Ðế, Hoàng Thiên, Thượng Thiên Hoàng, Hoàng Thượng Ðế chỉ là những tên gọi khác nhau, nhưng không trái với Deus (Dieu hay God).
Trong Cựu Uớc Chúa mượn hình người xuống gặp gỡ các tổ phụ như Áp-bra-ham hay Môi-sen. Trong Tứ Thư Ngũ Kinh cũng có ghi những lần Thượng Ðế phán bảo cùng các vị vua: trong Kinh Thư có ghi vua Cao Tông được Thượng Ðế chỉ cho tìm được hiền thần là Phó Duyệt. Văn Vương cũng được Thượng Ðế phán bảo trong Kinh Thi.

Kinh Thi cũng ca tụng trời là đấng muôn trùng cao cả:

"Kìa Thượng Ðế muôn trùng cao cả,
Oai nghi nhìn thiên hạ chúng dân."
"Sinh dân Trời chẳng bỏ liều,
Liệu người cai quản đến điều mới thôi"

Thượng Ðế cũng chí công vô tư:
"Trời xanh dẫn dắt chúng dân....
Bên cho bên lấy, đề huề xiết bao..."

Khổng Tử đề cập đến Thượng Ðế nhiều lần trong Kinh Thi :"phối Thiên, khắc phối Thượng Ðế" có nghĩa là sống đời thánh thiện, hiền nhân, quân tử thánh nhân được giao cảm, phối kết với Thượng Ðế.

(Cao Thế Dung, Dân Chúa, 6/00, t. 11)

Ðạo Tôn Kính Tổ Tiên Tại Việt Nam

Ngay từ những thế kỷ đầu của việc hội nhập văn hóa trong công cuộc rao giảng Phúc Âm, giáo hội Việt Nam đã phải đương đâu với một vấn đề hết sức nan giải là việc thờ phụng tổ tiên. Vì căn cứ vào 10 Ðiều Răn (Thứ nhất: thờ phượng một
Ðức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự). Các vị thừa sai đã không chấp nhận từ ngữ phụng thờ vì ông bà cha mẹ chỉ là các tạo vật do Chúa dựng nên. Mới đây Ðức Tổng GM Nguyễn Như Thể , Giáo Phận Huế, trong bài phát biểu cảm tưởng tại Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu tổ chức tại Rôma năm 1998 đã phải thay chữ "phụng thờ" bằng chữ "tôn kính". ÐTGM cũng nhấn mạnh là việc tôn kính tổ tiên là yếu tố văn hóa và luân lý của Việt Nam. Các vị thừa sai đầu tiên dến Việt Nam đã dễ dàng nhận thấy việc tôn kính tổ tiên là tôn giáo chính của Việt Nam. Họ cũng thấy Ðạo thờ Ông Bà là yếu tố thiết yếu nhất của việc phụng thờ các thần linh. (Nguyễn Quang Tuyến, Dân Chúa 6/00, t. 4)
Các tôn giáo khác như" Khổng Giáo, Phật Giáo và Lão Giáo cả ba đều đến từ Trung Quốc hay nước ngoài và cũng phải thu nhận các yếu tố thiết yếu từ các tư tưởng bình dân để được dân chúng chấp nhận. Những cuộc tranh luận lịch sử về các nghi lễ phụng thờ tổ tiên trong các xứ truyền giáo từ thế kỷ 17 trở đi đã khiến cho các quốc gia trong vùng Ðông Nam Á, Trung Hoa và Việt Nam đã phải chịu nhiều đau thương về những hiểu lầm trên bình diện lịch sử và phong tục. Nhiều văn kiện đã được công bố chống lại những nghi lễ phụng thờ tổ tiên theo đường lối thực hành của Công Giáo.
Tại Trung Hoa phải chờ đến ngày 8-12-1939 mới có Huấn Thị rút lại lệnh cấm. Tại Việt Nam cũng phải đợi đến năm 1964 Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam mới cho phép tín hữu vài hình thức phụng thờ dành riêng cho ông bà tổ tiên đồng thời hủy bỏ những điều được coi là dị đoan.
Ðạo Hiếu và Ðạo Trời tại Việt Nam là điểm son của nền văn hóa Việt Nam và không phản lại những giáo huấn của đạo Công Giáo. Các giáo lý viên khi giảng dạy cho người Việt Nam cần chú ý đến việc hội nhập văn hóa về đức tin Công Giáo trên phương diện những truyền thống cao đẹp này của văn hóa chúng ta. Cần phải khéo léo giải thích những gì là tốt đẹp có thể chấp nhận, và những gì là dị đoan cần phải tránh. (Nguyễn Quang Tuyến, Dân Chúa, 6/00, t. 6)

Tài Liệu Tham Khảo

1. A Concise Dictionary of Theology, Gerald O'Collins, S.J. & Edward G. Farrugia, S.J., Paulist Press, New York, 1991

2. Cao Thế Dung, "Công Giáo Trung Quốc và Ðạo Thờ Trời trong Tứ Thư Ngũ Kinh" Dân Chúa, tháng 6, 2000, t. 8-12)
3. Electronic Dictionary: http://www.worldenglishdictionary.com/
4. General Directory for Cathechesis, Congregation for the Clergy, USCC, 1999.
5. Nguyễn Quang Tuyến, "Ðạo Thờ Kính Tổ Tiên", Dân Chúa, tháng 6, 2000.
6. Phan Ðình Cho, "Faith in Cultures: Inculturation and Cathechesis" unpublished article, 1999.
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...