Wednesday, September 19, 2012

Lý luận của Ðức Giêxu - Thư Rôma 5


Tác giả: Paul Ricoeur
Người dịch: Lưu Hồng Khanh

Lời nói đầu của người dịch:
MsTs Lưu Hồng Khanh
Bài viết này nguyên thủy là một bài giảng được Paul Ricoeur trình bày vào tháng mười 1976 trong nguyện đường Rockefeller thuộc đại học Chicago. Bài này sau đó được đăng tải bằng tiếng Anh trong tạp chí Criterion, 18 (1979), 4-6, với tựa đề The Logic of Jesus, the Logic of God; rồi bằng tiếng Pháp trong tạp chí Études théologiques et religieuses, 55 (1980), 420-425, với tựa đề La Logique de Jésus, Romains 5; và tạp chí Esprit tháng Mars/Avril 2006. Trong số tạp chí Esprit này, bài giảng được mang một tựa đề khác nhưng cũng cùng một bản văn và cũng cùng một ý nghĩa: Équivalence et Surabondance – Les deux logiques.
Cái "Lý luận của sự tương ứng, sự cân bằng" - 'mắt đền mắt, răng đền răng' - đối với con người hiện đại là một sự man rợ, nhưng trong văn mạch lịch sử của nó, cái lý luận nói trên đã là một sự chinh phục đầu tiên của tính nhân bản trên thù hận không biên giới. Cái "Lý luận của Ðức Giêxu, của Ðức Chúa Trời" là cái lý luận của "lòng quảng đại, sự bao dung, quà biếu, tặng phẩm, sự ban cho dư dật", có khả năng thay đổi và chuyển hóa cái lý luận cân bằng hãn hẹp thường tình của con người. Ngày nay, chúng ta cũng được mời gọi sống và thể hiện cái lý luận "cho thêm", "cho nhiều", "cho dư dật". Không dòng tư tưởng nào biểu lộ tính nhân bản và niềm tin tôn giáo sinh động và kỳ diệu hơn trong cuộc sống đơn giản thường ngày.
Chủ đề "Lý luận của Ðức Giêxu", hay "Lý luận của sự cân bằng và lý luận của sự dư dật" đã được Paul Ricoeur trình bày nhiều lần, nhiều nơi, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, tham chiếu nhiều đoạn văn trong Kinh thánh khác nhau, và mỗi lần với những suy tư bổ sung, đào sâu, mở rộng. Chúng tôi sẽ có dịp lần lượt giới thiệu một số các phiên bản này. Ở đây, chúng tôi biên dịch phiên bản bài giảng tại nguyện đường Rockefeller thuộc đại học Chicago năm 1976 và được đăng tải trong tạp chí Études théologiques et religieuses nói trên.


Những đoạn văn liên hệ trong Kinh thánh:

  • Sáng thế (ST) 6:5-8, 12-13; 7:13-14, 22-23; 8:1: Lụt đại hồng thủy.
  • Rôma (Rm) 5:1-20: Lề luật và Ân điển.
  • Matthêu (Mt) 5:34-48: Bài giảng trên núi.



Trong thư Rôma, đặc biệt chương 5, sứ đồ Phaolô đã xử dụng một thuật văn với một sức hùng biện hiếm có để diễn tả một cách hào hùng điều mà tôi gọi là cái lý luận (logic) của Ðức Giêxu – cái lý luận của Ðức Chúa Trời. Phaolô lặp lại ba [hai] lần: lại còn lớn lao hơn biết mấy (cc.15, 17, 20). Qua bài này, tôi mong ước quý bạn có thể phần nào đoán nhìn ra được cái lý luận này qua thuật văn hùng biện của Phaolô. 
Nhưng trước hết ta hãy nói về cái lý luận của con người, cái lý luận của chúng ta; và hãy đặt vấn đề trong cùng một lãnh vực mà Phaolô đã đưa đến một thứ lý luận khác, lãnh vực của luật hình sự. Ðể hiểu cuộc cách mạng tư tưởng mà Tin mừng đòi hỏi, ta cần trước đó nhìn ra được cái lớn lao của cái lý luận mà Ðức Giêxu và sứ đồ Phaolô đã muốn bẻ gãy và vượt qua. Mà quả thật cái danh dự của luật hình sự của chúng ta là gắng sức luôn mãi làm cho cân đối hơn nữa hình phạt với tội phạm. Lý tưởng, theo tinh thần của bộ luật này, là hình phạt phải ngang bằng với tội phạm. Trong cái nổ lực đáng kính này, ta thấy được sự kết tinh của cái lý luận của con người, đó là cái lý luận về sự cân bằng, sự tương ứng. Nhưng cái lý luận của Ðức Chúa Trời, cái lý luận của Ðức Giêxu, cái lý luận của sứ đồ Phaolô thì khác hẳn. Ðó là cái lý luận của sự trổi vượt, của sự dư dật. Hãy xem thư Rôma, chương 5, của Phaolô. Nhưng ta khoan vội đi vào bản văn của Phaolô. Bản văn đó quá cô đọng và giả thiết rất nhiều điều cần được thấu hiểu trước đó. 
Một ít điều của cái lý luận khác lạ này, ta đã được nghe đọc lên vừa rồi trong câu truyện lụt đại hồng thủy, hay nói cách khác trong câu truyện huyền thoại cổ đại Babylon được nhà văn Kinh thánh viết lại. Câu truyện bắt đầu như một huyền thoại trừng phạt (ST 6:57). Tất cả cái lý luận về trừng phạt được chất chứa tại đây, và có thể nói là được thần thánh hóa. Ðó là cái lý luận của sự cân bằng tương ứng. Khi một tội ác đụng chạm đến thần linh, thì chỉ có án chết, nghĩa là một tội phạm khác mới có thể xóa sạch tội ác kia. 
Nhưng này đây, thông qua cái lý luận của sự trừng phạt, thì có một lý luận khác được mở đường. Lý luận này được diễn tả một cách rất đơn giản, rất ngây thơ, dường như cách Ðức Chúa Trời hối hận. Ở phần cuối câu truyện, Ðức Chúa Trời không sợ phải tự mâu thuẫn với chính mình (ST 8:21-22). Câu truyện huyền thoại cổ thời về lụt đại hồng thủy nay được chuyển hóa thành ẩn dụ về sự sống lại của nước cho nhân loại. Và như thế, một cái lý luận khác được gợi lên cho chúng ta, cái lý luận của sự dư dật. Cái lý luận này được tỏ bày trong tiếng nói của các ngôn sừ, như nơi Giêrêmi, Êxêchien, và trong các Thi thiên Thánh vịnh. 
Nhưng chính trong những lời nói của Ðức Giêxu mà cái lý luận khác lạ này được cất lên, hùng mạnh và sáng tỏ. Ta hãy cùng nhau đọc lại đoạn văn này: Mt 5:39b-42
Câu 38: "Các ngươi đã nghe…", đó là luật cũ. Luật như thế nào? "Mắt đền mắt, răng đền răng". Ta hãy thận trọng. Cái luật báo thù khét tiếng này đối với chúng ta ngày nay là man rợ. Nhưng khoa nhân chủng học lại cho ta thấy, luật đó là sự chinh phục đầu tiên chống lại sự báo thù không có giới hạn, đó là biện pháp đầu tiên của sự trừng phạt tương ứng với mức độ của tội phạm. Nhưng cho dầu sự chinh phục về việc ấn định một hình phạt có giới hạn có ấn tượng đến bao nhiêu đi nữa, nó cũng còn nằm trong cái lý luận cũ của sự cân bằng tương ứng. Và chính cái lý luận này mà Ðức Giêxu muốn lật bỏ. Bằng cách nào? Bằng cách đưa ra bốn lần liên tiếp một giới răn cực điểm, mỗi lần đều gây băn khoăn, có thể làm công phẫn, ít nữa là làm cho ta sững sờ bối rối. 
Ta hãy nhìn kỹ hơn cái hùng biện lạ lùng của bản văn này. Ðức Giêxu không làm theo cách các nhà luân lý học bằng cách đưa ra một giới luật khái quát. Ngài mỗi lần đều bắt đầu từ một hoàn cảnh cụ thể, có thể là hiếm thấy, không chắc là có thật, nhưng mỗi lần Ngài làm nổ tung sự việc đó ra bằng cái mà ta có thể gọi là một câu trả lời cực đoan. 
Câu 39: Một cái vả trên má? Ðó quả là một sự việc thất thường, nhất là đối với một người lớn - và ngay cả đối với một em bé (không thể được - có phải thế không? – sao lại đánh đập vào mặt một em bé?). Nhưng, hãy xem đây, nếu có ai vả vào mặt bạn! Phản ứng thế nào? Phải, hãy giơ cả má kia ra! Làm sao có thể thực hành theo chân chữ giới răn này, nếu không phải là trao cho kẻ mạnh hơn trọn cả nhóm người thiểu số, yếu kém, nơi đây, nơi kia, trên cả trái đất này?

Câu 40: Trường hợp thứ hai của giới răn cực điểm này nói đến vụ kiện đối với một người bị lấy áo trong, lại để cho người ta lấy cả áo ngoài. Một người nghèo gia tài không có gì đáng giá hơn là một chiếc áo bình thường. Nay giới răn dạy: bị mất áo trong, lại cho thêm cả áo ngoài, thì không những không còn đồng xu cháy túi, mà chỉ còn da bọc xương!... 
Câu 41: Trường hợp thứ ba - theo một vài tác giả - nói đến những kẻ phải đi làm khổ sai. Một người ngoại bang bị tù hay bị làm nô lệ phải làm việc gánh vác – có thể là để xây cất các kim tự tháp – cho một chủ nhân chiếm cứ hay xâm lược. Và giới răn là: nếu bị bắt đi một dặm, thì hãy đi thêm với người ấy hai dặm. Như thế đơn giản có phải là tròng thêm gấp đôi dây xích và giáng thêm gấp đôi sự nô lệ? 
Câu 42: Trường hợp thứ tư cuối cùng này cũng không ít cực đoan, khi nói rằng: "Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi", khi ta thấy kẻ cho vay mượn không thận trọng, luôn bị lợi dụng, nhất định sẽ rơi vào tình trạng không tiền không bạc cho bữa ăn ngày hôm sau, không còn cơm bánh hằng ngày. Và từ nay sẽ là cuộc sống như chim trên trời và hoa cỏ ngoài đồng nội!
Như thế, những giới răn này làm chúng ta kêu lên: Phải đi đến tận đó! Phải làm như thế! Mỗi khi một hành động đòi phải được thực hiện hoàn toàn ngược lại với cách bình thường và tự nhiên chúng ta thường làm là "mắt đền mắt, răng đền răng"… Tôi gợi ý suy nghĩ rằng, những giới răn nhất quyết là phi lý kia đã được nói lên đơn giản với mục đích đánh đổ cái khuynh hướng tự nhiên của chúng ta. Rồi thay vào đó là một khuynh hướng ý thức và tự chọn được thiết lập giữa giới răn mới và khuynh hướng tự nhiên mà chúng ta thường sống, thường suy nghĩ, thường hành động, cách tự nhiên và bình thường. 
Nghĩ như thế, chúng ta hiểu được cái dụng ý của sự đưa ra cách dồn dập những trường hợp cực điểm và những phản ứng cực độ nói trên. Dụng ý này không nhắm đưa lại cho chúng ta một quy luật khôn ngoan có thể áp dụng theo chân chữ và một cách máy móc tức thì, nhưng bằng sự kết hợp một vài hoàn cảnh tiêu biểu làm thí dụ, gợi ý cho chúng ta về một thái độ phải có trong các cuộc xung đột, không phải chỉ trong một số hành động lẻ tẻ, nhưng là trong toàn bộ cách sống, cách hành xử trong cuộc đời của chúng ta. Một giới răn không ăn khớp với cái lý luận đạo đức thường ngày sẽ là câu hỏi đối với cái lý luận đạo đức đó. Hơn nữa, cái tính cách eo hẹp của các thí dụ cực đoan nói trên không cho phép ta quan niệm theo cách "giải nố" (casuistique) bằng cách sắp xếp chúng lại thành từng loại hoàn cảnh với từng loại giải quyết, mang nhãn pháp lý, luân lý, xã hội, chính trị. Không đâu, không có một quy luật nào được phát xuất từ đây để người ta có thể áp đặt thành một lý thuyết hay một nền pháp luật. Trong bốn hoàn cảnh mà Ðức Giêxu đưa ra, khó lòng mà trông chờ có được sự sáng tỏ của luật pháp. Ðức Giêxu giảng dạy không phải bằng luật lệ, nhưng bằng luật trừ đối với lề luật.  
Như thế có phải là chúng ta không được định hướng? Ở đây, theo tôi nghĩ, cũng giống như những trường hợp Ðức Giêxu vẫn thường dùng một ngôn ngữ cực độ - hoặc là sự dị thường của phần kết một dụ ngôn, hay một quá thuyết - với mhững thuật ngữ của các châm ngôn: cái xà nhà trong mắt, con lạc đà chui qua lỗ kim! Dụ ngôn, nghịch thuyềt, ngoa ngữ, giới răn cực độ, những điều làm ta lạc hướng, nhưng là để ta định hướng lại. Nhưng điều gì được định hướng lại trong ta? Và định hướng về đâu? Tôi nghĩ rằng, điều được định hướng lại bởi những lời quá thuyết nói trên, là dành để cho trí tưởng tượng của chúng ta hơn là cho ý chí. Ý chí của chúng ta, đó là khả năng đi theo không chút ngần ngại con đường một khi đã quyết chọn, là vâng phục không chống cự một giới răn đã chấp nhận. Còn trí tưởng tượng của chúng ta, đó là năng lực làm cho chúng ta mở mình ra trước những khả năng mới, là khám phá ra một con đường khác bằng cách nhìn sự vật một cách khác đi, là năng lực tiếp nhận một giới luật mới thông qua giáo huấn của luật trừ


Và đường hướng nào mà những lời giảng dạy của Ðức Giêxu đem lại cho trí tưởng tượng đạo đức của chúng ta? Tôi nghĩ là nhìn ra được đường hướng đó phân xuất từ loạt câu trả lời cực độ - tự nó là để mở - do những hoàn cảnh cực điểm đòi hỏi. Dĩ nhiên không có một giới luật nào được trưng bày hiển hiện, nhưng có một cái gì mà chúng ta có thể gọi là một cung cách hành xử. Và cung cách này là cung cách của một sự ứng đáp dư trội so chiếu với sự ứng đáp bình thường chờ đợi. 
Vâng, mỗi sự ứng đáp đều đưa lại nhiều hơn là sự khôn ngoan bình thường đòi hỏi. Má phải ư? Cả má trái nữa! Áo trong ư? Cả áo ngoài nữa! Một dặm ư? Cả đến hai dặm nữa! Không những điều này, mà cả điều kia nữa! Chính cái sự đưa lại nhiều hơn này cho tôi thấy cái điều cốt lõi của những giới răn cực điểm này. Và thông qua cái đưa lại nhiều hơn này mà được tỏ hiện ra cái lý luận (logique) của Ðức Giêxu được diễn tả trong các ẩn dụ, châm ngôn, và các lời về thế mạt của Ngài. Chính cái lý luận của sự quảng đại này đã chạm trán với cái lý luận của sự cân bằng, thứ lý luận cũng đã từng chế ngự những trao đổi thường ngày của chúng ta, trong mua bán, trong luật hình sự, mà chúng ta cũng đã vừa thấy được tôn dương trong luật báo thù mang tính hoàn vũ của câu truyện huyền thoại lụt hồng thủy cổ đại. Cái lý luận của sự quảng đại này dĩ nhiên cũng phần nào có thể ước đoán được thông qua lời giao hứa của Chúa Giavê đối với nhân loại được sống lại từ nước lũ. Nhưng chính bây giờ, cái lý luận của sự quảng đại đó lại đã chiếm trọn phần trong những lời giảng dạy của Ðức Giêxu. Và cũng còn chính cái lý luận của sự quảng đại đó nay cũng lại được hưng phấn thổi vào bản thư văn căng thẳng, tương phản, nghịch thường của sứ đồ Phaolô trong một đoạn thư Rôma mà chúng ta vừa đọc: Rm 5:1-20


Ðể nhìn ra cái lý luận của Phaolô, ta nên xem đoạn văn nói trên của Phaolô từ điểm đến hơn là từ điểm phát xuất. Tiện đây, tôi cũng nói qua rằng, tôi không tin vào luận điểm của Nietzsche cho rằng, Phaolô đã sáng tạo ra Kitô-giáo, nếu không như là một sứ điệp, thì chí ít cũng như là một giáo thuyết. Phaolô nói cũng một điều như Ðức Giêxu, nhưng trên một âm vực khác, trừu tượng và lý thuyết hơn. Nhưng cũng cùng một ý nghĩa. Bởi chính cũng cùng một cái lý luận của sự dư dật bẻ gãy cái lý luận của sự cân bằng. Phaolô - để nhấn mạnh ý tưởng nói trên - đã không ngần ngại lặp lại đến bốn lần cũng cùng một lối văn hùng biện: "lại còn hơn thế nữa…", như thể cái dư dật của lời nói phải hình dung bắt chước cái dư dật của tặng phẩm mà sứ đồ Phaolô tôn vinh. Nhưng cái lý luận này được diễn tả trong diễn ngôn bình dân của ẩn dụ, châm ngôn, khuyến dụ, thì nay được chuyển đổi vào một thứ diễn ngôn khác, từ đó phát xuất ra nền thần học của giáo phụ Augustinus và nhà cải chánh Luther. Ðó là cái biện chứng của định mệnh con người nay được diễn tả qua những khái niệm sự hư mất và sự nên công chính, sự thù địch và sự giải hòa với Ðức Chúa Trời, lề luật và ân điển, sự chết và sự sống. Cái cuộc hỗn chiến của những khái niệm vĩ đại này có lẽ làm ta e ngại. Cũng có thể bởi nó được diễn tả thông qua một ngôn ngữ xa lạ với nền văn hóa của chúng ta.


Vậy để giải mã ngôn ngữ đó, ta hãy lấy lại lời nói đơn giản hơn của Tin mừng. Và chúng ta đọc được, dưới những từ "đại ngôn" như công chính hóa, tái hòa giải, đích thực những gì vừa được giải bày trong đoạn văn kỳ diệu của Matthêu. Thư Rôma, đọc dưới ánh sáng của Bài giảng trên núi, sẽ bắt đầu lại cuộc nói chuyện với ta, và chúng ta sẽ khám phá ra rằng, Phaolô đã nói cũng cùng một điều như Ðức Giêxu, nhưng trên một bình diện ngôn ngữ khác. Hơn nữa, điều độc nhất mới mà Phaolô nói, sẽ trở nên, như một tương phản, vô cùng quý báu. Cái điều mới này là: Ðức Giêxu Ðấng Christ là chính cái "còn hơn thế nữa của Ðức Chúa Trời". Trong Tin mừng, Ðức Giêxu trước hết là kẻ lên tiếng và nói lời Tin mừng. Giờ đây, Ngài được loan báo như là kẻ - bởi cái điên rồ của thập tự giá - bẻ gãy cái cân bằng thảm đạm của sự tội và sự chết. "Còn hơn thế nữa bây giờ, được công chính hóa trong bửu huyết của Ngài, chúng ta sẽ nhờ Ngài mà được cứu khỏi cơn thịnh nộ". Cái cuộc hỗn chiến của những khái niệm vĩ đại mà chúng ta vừa nhắc đến, đó là:

  • luận phạt và công chính hóa
  • lề luật và ân điển
  • sự chết và sự sống

nay được nhập thể trong hai hình hài:

  • một bên, người đầu tiên: "nếu bởi tội của chỉ một người mà mọi kẻ khác đều phải chết…"
  • bên kia, con người đích thực: "thì ơn của Ðức Chúa Trời và sự ban-cho trong ơn Ngài tỏ ra bởi một người là Ðức Giêxu Ðấng Christ càng dồi dào hơn biết mấy cho muôn người!"

Và như thế, Hội thánh, qua lời nói của Phaolô, đã đặt tên – tên Ðức Giêxu Ðấng Christ – cho cái giới răn sự dư dật. Nhưng, dẫu thế, sự tuyên xưng của Hội thánh này vẫn chỉ là một lời nói đóng kín, nếu ta không nối kết được cái lời nói huyền diệu "còn lớn hơn biết mấy" này với những câu nghịch lý đầy soi sáng của Thầy Giêxu.

Chúng ta hãy trở về lại với chính mình chúng ta để kết thúc.


Có lẽ các bạn sẽ đặt câu hỏi, làm sao chúng ta ngày hôm nay có thể sống được theo cái lý luận của sự dư dật này. Chúng ta đã nói, không gì xa lạ với tinh thần của Tin mừng hơn là cái kỳ vọng muốn rút ra từ những lời giảng dạy nghịch thường của Ðức Giêxu để làm thành một khoa luân lý học cứng nhắc. Trái lại, điều mà ta có thể làm, là thực hiện những chỉ dấu cụ thể về cái kế hoạch sống mới này. Xin cho phép tôi gợi lên ở đây một vài dấu chỉ, không mục đích nào khác hơn là để khích động những suy nghĩ tương tự, hoặc nữa là để từ đây các bạn có thể đưa ra được những điều làm còn khác xa và sâu xa hơn những điều tôi gợi ý.

Trong lĩnh vực hình sự, nơi mà chúng ta bắt đầu: không phải là chúng ta trước tiên được cảnh giác phải giữ mình khỏi cái khuynh hướng tự nhiên thỏa lòng với cái lý luận của sự cân bằng nó chế ngự toàn bộ luật hình sự của chúng ta? Nói cách khác, không phải chúng ta được mời gọi phải phân biệt, đến cả trong những hình phạt công bằng nhất, bóng dáng đáng gây ưu tư của sự giận dữ và oán thù? Là một điều tốt, khi được khích động bởi sự nghịch lý của Ðức Giêxu, chúng ta nghi ngờ đến cả những việc làm tốt lành nhất của chúng ta. Nhưng không phải chỉ nghi ngờ mà thôi. Một cách tích cực hơn, không phải chúng ta phải quyết tâm điều chỉnh hình phạt, nhắm sự cải tội hơn là đến sự đền tội? Bởi Tin mừng đứng về phía nào: về phía báo thù của xã hội, hay là về phía phục hồi người tội phạm? 
Chúng ta hãy mở rộng hơn lĩnh vực tự vấn và hỏi mình, có phải toàn bộ giao thương của chúng ta đều đặt nền tảng trên luật mậu dịch, nghĩa là trên luật cân bằng? Và có phải luật mậu dịch, cũng giống như luật hình sự, là một hình thức trá hình của sự cưỡng bức, cách riêng khi nó dấu ẩn dưới hình thức pháp lý một tương quan lực lượng? Sự nghi ngờ về những nền tảng trong giao thương của chúng ta cũng giống như sự nghi ngờ về những nền tảng trong pháp luật của chúng ta, bởi cũng là một thứ lý lẽ nó chế ngự cả lĩnh vực này giống như cả lĩnh vực kia. Và ở đây, chúng ta cũng được yêu cầu đưa ra những chỉ dấu tích cực. Luật thương mại không phải là vĩnh hằng. Khoa nhân chủng học cho ta biết, có một nền giao thương ân nghĩa quà tặng còn cổ kính hơn nền giao thương mậu dịch trao đổi. Khoa nhân chủng học này cũng nói đến những lễ hội trong đó người người đua nhau thi thố sự quảng đại và lòng nhân hậu. Công việc của chúng ta, trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế, không phải là làm xuất hiện ra phần nào một nền thương mại dựa trên sự biếu tặng trong một xã hội hiện đại? Không phải là chỉnh sửa lại bằng những can thiệp tích cực những bất đồng phát xuất chính do sự áp dụng cái lý luận cân bằng trong mọi giao dịch kinh tế và thương mại? 
Tôi xin ngừng lại ở đây, để không lấy những câu hỏi cũng như những câu trả lời của tôi thay thế cho câu hỏi của Ðức Giêxu và của sứ đồ Phaolô, và nhất là để không thay thế cho câu trả lời sắc bén của các ngài. Chúng ta không nghi ngờ gì nữa. Ðem ra thực hành lời dạy nhận được sáng nay, đó là tìm cách thực hiện những chỉ dấu cụ thể, điều mà chúng ta được đòi hỏi phải thực hiện ngày hôm nay, về cái lý luận của Ðức Giêxu, [cái lý luận của sự dư dật, chứ không phải của sự cân bằng "mắt đền mắt, răng đền răng"]!
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...