Thursday, March 28, 2013

CON RỒNG TRONG TÂM TRÍ NGƯỜI VIỆT NAM


Ms Nguyễn Quốc Ấn 
 
Con rồng là một con vật truyền thuyết, được khắc họa là một linh vật trong “tứ linh” theo quan niệm cùa người Đông Phương nói chung và người Việt Nam nói riêng. Hình ảnh của con rồng luôn xuất hiện trong các đền, miếu, chùa, đình ở nông thôn và thành thị Việt Nam, trong hoàng cung của các vua chúa ngày xưa. Nó là biểu tượng của sự hùng mạnh, thanh tao, quyền quý và thịnh vượng.
I. Con rồng trong Kinh Thánh Cựu Ước và thế giới cổ:
Trong Cựu ước, tiếng Hêbơrơ sẽ cho chúng ta thấy con rồng là con vật như thế nào.
Con rồng: Tiếng Hêbơrơ là "Tanniym" (תנין)nghĩa là quái vật, cá voi, thủy quái. Tiếp đầu ngữ “Tan” (תנ) trong từ "Tanniym" có nghĩa là làm cho dài ra. Có 22 lần Cựu Ước chép về con rồng (Tanniym).



1.     Nêhêmi 2:13: Chó rừng (Bản dịch mới Arms of Hope năm 2002: rồng)
2.     Thi thiên 91:13: Rắn hổ mang
3.     Esai 27:1: Leviathan con rắn
4.     Esai 51:9: Quái vật
5.     Giêrêmi 51:34: Con vật lớn
6.     Exêchiên 29:3: Con vật quái gỡ nằm giữa các sông
7.     Phục Truyền. 32:33: Con rắn
8.     Gióp 30:29: Chó rừng
9.     Thi thiên 44:19: Chó rừng
10.  Thi thiên 74: 13: Quái vật trong nước
11.  Thi thiên148:7: Quái vật của biển
12.  Êsai 13:22: Chó rừng
13.  Êsai 34:13: Chó đồng
14.  Êsai 35: 7: Chó đồng
15.  Êsai 43:20: Thú đồng
16.  Giêrêmi 9:11: Chó rừng
17.  Giêrêmi 10:22: Chó rừng
18.  Giêrêmi 14:6: Chó đồng
19.  Giêrêmi 49:33: Chó đồng
20.  Giêrêmi 51:37: Chó đồng
21.  Michê 1:8: Chó rừng
22.  Malachi 1:3: Chó nơi đồng vắng.
Tuy nhiên, trong thế giới cổ đại cũng có rất nhiều ký thuật tương tự về cuộc chiến giữa thiên đàng và địa ngục. Tập thơ của người Ugari Tic viết về thần Baanh, có kể về một trận chiến một bên là thần Baanh, thần của bão tố với Yam là vua của biển cả. Người Babylôn thì kể chuyện Marduk chiến thắng thần Tiamat, là con quái vật 7 đầu của vực sâu. (Mẹ cuả thần Marduk cũng được mô tả tương tự như người phụ nữ trong Khải Huyền 12:1; còn Tiamat thì được kể rằng trong trận chiến chống lại thiên đàng đã đánh đổ được 1/3 các vì sao). Người Batư thì kể về người con trai thần Ahura đánh nhau với con rồng Azhi Dahaka gian ác. Người Ai Cập kể lại thế nào nữ thần Hathhor Isis, vợ của Oosiris chạy trốn khỏi con rồng đỏ Typhon để đến được một hòn đảo; rồi con rồng đã bị con trai nàng là Horus đánh bại và cuối cùng nó đã bị tiêu diệt bằng lửa. Người Hylạp cũng có một truyện tích tương tự v/v thần Apollo được nữ thần Leto sinh ra; nữ thần này đã bị con rồng Python to lớn rượt đuổi, vì nó nghe nói rằng hậu duệ của bà sẽ tiêu diệt nó. Leto đã trốn dưới biển, và thần Apollo vừa khi chào đời đã lập tức trưởng thành và giết chết con rồng (giống chuyện Thánh Gióng của VN không các bạn?).
Những biến thể khác và những sự thêm thắt cho câu chuyện này là điều phổ biến tại Trung Đông, và một số người Dothái nhận thấy một số trong câu chuyện này có những điểm tương đồng đáng kinh ngạc với lời hứa về Đấng Mếtsia. Một tác giả sách Tiên tri khuyết danh đã lấy câu chuyện truyền kỳ này và sửa đổi nó lại cho phù hợp với niềm hy vọng của người Dothái, ông đã thêm vào chuyện con trai đó sẽ cai trị mọi dân tộc (đối chiếu với Thi. 2:9) và con rồng bị đánh bại nhờ Micaên là vị thiên thần hộ mệnh và là đấng bảo vệ của dân Israên (đối chiếu với Đan. 12:1; một trong các bài thánh ca tạ ơn của cuộn Qumran có một phần rất giống với các câu 1-6 của Khải. 12). Dường như Giăng đã trình bày sự ứng nghiệm của câu chuyện theo tín ngưỡng ngoại đạo này và lời hứa trong KT CƯ về Chúa Cứu Thế của Phúc Âm đơn giản bằng cách thêm vào hai câu 10-11, bởi đó đã chuyển đổi câu chuyện thành một lời tuyên bố về chiến thắng của Chúa Giê-Xu, Đấng đã chịu đóng đinh và phục sinh trên các thế lực tội lỗi và sự chết. (Trích sách GNKT quyển 7, Tr.442-443).
II. Con rồng trong Kinh Thánh Tân Ước:
Trong Tân Ước, tiếng Hy lạp:
Con rồng: "Drakon" (δρακων), nghĩa là thủy quái, một loài rắn biển, con vật ảo tưởng. Có 12 lần sách Khải Huyền viết về “con rồng”: Đoạn 12:3, 4, 7, 9, 13, 16, 17. Đoạn 13:2, 4, 11. 16:13. Đoạn 20:2.
http://chiaseniemtin.org/images/rev12b.jpgĐọc Khải Huyền đoạn 12, 13, 16 và 20 chúng ta thấy KT tường thuật về “Con rồng”. Riêng trong đoạn 12 có 7 lần nhắc đến “con rồng”, đoạn 13 có 3 lần, đoạn 16 có 1 lần và đoạn 20 có 1 lần.
Riêng đoạn 12, KT đang mặc khải về Chúa Giê-Xu (từ câu 1-6). Nhưng rất ít Cơ Đốc Nhân (CĐN) nào nhận thấy Ngài trong các tường thuật này, họ chăm chú vào “con rồng” nhiều hơn. Họ bỏ qua những gì liên quan đến cuộc đời của Chúa Giê-Xu. Cũng có nhiều giáo sĩ đã giảng dạy một cách từ chương, thủ nghĩa, không nghiên cứu về văn chương Tiên Tri trong KT, hoặc không tìm hiểu ngữ nghĩa của nguyên văn. Nhiều người trong số họ đã tự ý đem câu văn ra khỏi mạch văn, đem một chi tiết ra khỏi một tổng thể rồi giải nghĩa, chẳng khác nào thầy bói xem voi. Họ thao thao bất tuyệt mà không biết họ đã dạy sai đến mức độ nào !!!!! Trong khi đó các CĐN VN thấy lạ và rất hay, rất mới mẽ. Người VN ta rất dễ dung hòa và dễ dàng tiếp nhận những điều hay, mới, lạ và nghe rất sướng lổ tai, nhưng lại thiếu đề phòng – đúng là chiên ngoan hiền!
Anh chị em ơi! Đừng ngoan hiền theo kiểu ấy mà ăn phải những thức ăn chẳng phù hợp cho cơ thể của chiên. Phải nhận biết tại phương Tây có rất nhiều người, nặng là tà giáo, còn nhẹ thì được xem là “thầy giáo sai lầm”. Hãy coi chừng, đừng vô tình làm hư hỏng HT của người VN. Những người này được xưng là giáo sĩ, nhưng họ chẳng thèm học bài học đầu tiên mà các giáo sĩ chân chính phải học khi tình nguyện sang nước khác sinh sống và hầu việc Chúa là học tiếng người bản xứ và học phong tục, tập quán, văn hóa của người bản xứ, giống như William Carrey đã làm giáo sĩ tại Ấn Độ năm 1793.
Anh em phải biết chúng ta là người Á Đông. Người Á Đông khác với người Tây Phương rất nhiều. Những gì phù hợp vơí người Phương Tây chưa chắc đã phù hợp với người Phương Đông và ngược lại. Các Giáo sĩ ngày xưa (CMA) cho mình là người đi khai phá văn minh cho các quốc gia nhược tiểu, đem ánh sáng của Phương Tây đến với người Phương Đông. Họ không cần biết người Phương Đông suy nghĩ những gì, thích gì, những gì là phù hợp với người Phương Đông. Đa số họ không tôn trọng những tập quán, văn hóa của người Phương Đông. Cụ thể, một giáo sĩ CMA vào VN ngay lập tức ông này tuyên bố cấm các tín hữu ăn trầu, phải để răng trắng.
Anh ở Phương Tây, anh không ăn trầu kệ anh, chúng tôi là người VN, chúng tôi thích ăn trầu vì chúng tôi có câu rằng: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Đó là lễ nghĩa của người VN sao anh lại cấm???? Việc ăn trầu có sai gì với KT không? Chuyện “Trầu, Cau, Vôi” là một chuyện tích rất hay rất đẹp của người VN. Vì thế Trầu Cau gắn liền với cuộc sống của người VN. Đó là đạo lý, đó là lễ nghĩa, đó là thâm tình, đó là tình làng nghĩa xóm. Chạy qua nhà hàng xóm cũng có thể xin được một miếng trầu, và rồi câu chuyện cũng bắt đầu từ đây, tình cảm được nhân lên, tình nghĩa hàng xóm thêm bền chặc. Người Phương Tây “kín cổng cao tường” làm sao biết được những điều hay lẽ phải nầy.
Họ là người sốt sắng với Lời Chúa nhưng thiếu nghiên cứu KT. Họ cho rằng tin Chúa rồi thì đừng ăn trầu nữa, vì ăn trầu là cách sống của con người cũ (?!). Hãy hỏi vị giáo sĩ kia rằng: “Trước khi tin Chúa ông dùng muỗng, nĩa, điã để ăn, sau khi tin Chúa ông dùng thứ gì để ăn?.
Từ chỗ miếng trầu, miếng cau, mà họ đã làm cho dân tộc ta có ác cảm không chỉ với họ mà còn chê bai đạo Chúa và xa lánh đạo Chúa. Dân ta xem đạo của Chúa như là sản phẩm của ngoại bang. Tin Lành là ngoại lai. Đó là câu chuyện của gần một thế kỷ qua rồi. Cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, chuyện “con rồng” cũng do các giáo sĩ Phương Tây rao giảng tại VN một cách phản lại một nền văn hóa của một dân tộc. Gây không ít hiểu lầm cho người chưa tin Chúa. Trong HT thì nhiều tín hữu yêu mến Chúa hoang mang, không biết ai trúng, ai sai (?!).
Tôi không biết một chị tín hữu đã học với giáo sĩ nào, mà chị khoe với tôi rằng, chị đi cầu nguyện xuyên Việt (?), ra Ngoài miền Bắc vào địa phận một tỉnh, mà chị cho rằng đó là nơi cái đầu của “con rồng”. Chị dùng chân đạp xuống đất rất mạnh và nhiều cú đạp như vậy trên mặt đất, miệng thì công bố: nhân danh Chúa Giê-Xu ta đạp đầu mầy. Vào miền Trung, đến địa phận một tỉnh mà chị cho rằng, đó là cái lưng của “con rồng”. Rồi chị cũng đạp trên mặt đất tương tự như ngoài Bắc, còn miệng thì công bố: nhân danh Chúa Giê-Xu ta đạp gãy lưng mầy. Cuối cùng chị vào miền Nam, đến một tỉnh mà chị cho rằng đó là khúc đuôi của “con rồng”, chị lặp lại những động tác trên và miệng thì công bố: nhân danh Chúa Giê-Xu ta bẻ gãy đuôi mầy. Chuyến cầu nguyện xuyên Việt của chị kết thúc trong thắng lợi huy hoàng vì chị đã dày đạp toàn bộ thân thể “con rồng” (?!).
Thưa anh chị anh em. Nếu thực sự có một “con rồng” chiều dài khoảng hơn 1000Km, chỗ nhỏ nhất trên thân của nó là khoảng 50Km, thì chị tín hữu ấy có dám đi trên thân của nó không? Còn nữa, với “con rồng siêu đại khổng lồ” nầy những cú đạp của chị ta có lẽ sẽ giống như con rận đạp trên mình con chó và nói với con chó rằng: Đồ chó! Mầy hôi quá!!! “Câu chuyện thật” này khiến tôi liên tưởng đến chàng hiệp sĩ giao chiến với cối xay gió.
“Con rồng” trong KT có liên quan gì với “con rồng” của người VN không? KT có ẩn ý chỉ về “con rồng” của người VN là “con rắn xưa là ma quĩ, là satan” (Khải 20:2) không? Đây là câu hỏi quan trọng, là chìa khóa để mở ra những hiểu biết về Kinh Thánh.
Tôi xin kể lại một “câu chuyện thật” 100%, chính tai tôi nghe, mắt tôi thấy tại Mã Đà tỉnh Đồng Nai. Tôi có một người em trong họ hàng được một nữ nhân sự trong một HT nọ làm chứng và dẫn dắt tin Chúa. Ít lâu sau, chú ấy thở dài, than vản với tôi rằng, người nữ nhân sự kia bảo phải đốt hoặc đập nát bộ xalon bằng gỗ Cẩm Lai mới cáu mà chú ấy mới mua 5 chỉ vàng (thời giá vào năm 90). Tôi hỏi vì sao như vậy? Chú ấy cho biết là vì bộ xalon kia có chạm khắc nhiều “con rồng”. Tôi không hiểu đầu đuôi câu chuyện, và cũng không thấu hiểu chuyện “con rồng”. Tôi chỉ hết lòng giải thích để chú ấy cứ tin Chúa, nhưng chú ấy đã bỏ Chúa, chứ không chịu đốt hay đập nát bộ xalon đắc giá kia.
Chính bản thân tôi đây cũng đã đốt 20 “con rồng” vào năm 1995. Lúc ấy con gái tôi bị bịnh ung thư suốt một năm rưỡi. Một nhân sự trong một HT nọ cùng ở một nhà với tôi bảo tôi rằng, thầy lục soát lại trong gia đình thầy có cái gì liên quan đến “con rồng” không, hãy đem đốt hết đi. Giữa đêm khuya hai vợ chồng tôi lục lọi cố tìm và cố nhớ cái gì có hình ảnh “con rồng” đều lôi ra. Chẳng có gì! Cuối cùng vợ tôi sực nhớ một bộ đũa ăn thật quí vì được một người anh tặng. Y chang, 20 chiếc đũa là 20 “con rồng”. Anh nhân sự kia mừng như đào được vàng. Anh ta phán một câu xanh rờn: “Nó là nguyên nhân gây bịnh hoạn cho con gái của thầy”. Anh ta liền lấy lửa đốt, tôi cũng tham gia đốt. Vừa đốt anh ta vừa nói: “Từ rày mầy không còn quậy phá nữa”. Tôi không hiểu gì cả!!!
Có một tín hữu tên là Long. Anh ta hoảng sợ sau khi tiếp thu bài học "con rồng" đã chuyển đổi tên cuả anh. Từ ngày đổi tên, ai gọi anh ta là Long thì anh ta rất buồn.
Với những ý nghĩ và hành động kể trên của một số CĐN, chúng ta thấy họ mê tín về chuyện "con rồng".
Có 35 lần KT nói cề “con rồng”. Khoảng 90% trong số ấy được ghi chép trong các sách tiên tri. Đây là đầu mối giúp chúng ta nhận diện “con rồng” một cách đúng đắn nhất, chính xác nhất, đáng tin cậy nhất. Văn chương tiên tri và văn chương khải thị là loại văn chương dùng rất nhiều biểu tượng. 25% KT là thể loại tiên tri. Nội dung của sách tiên tri là bày tỏ sự thành tín, uy quyền và quyền năng siêu nhiên của ĐCT (Ivua.8:56). Sách tiên tri khích lệ tín hữu đầy lòng hy vọng (I Têsa.4:13-18). Sách tiên tri thánh hóa và tác động tín hữu sống thánh khiết (Tít 2:11-15). Sách tiên tri bày tỏ chương trình và mục đích đời đời của ĐCT (sách Khải huyền, Esai 46:10-13).
Điều đặc biệt trong các sách tiên tri là lối nói biểu tượng. Nếu không nắm rõ qui luật giải kinh về văn chương tiên tri, thì sẽ giải. . . kinh dị, kinh hoàng cho tín hữu. Biểu tượng dùng để diễn tả một ý nghĩa tượng trưng. Trong Khải huyền 5:5 và IPhierơ 5:8 đều dùng biểu tượng là sư tử để chỉ về Chúa Giê-Xu và cả Satan nữa. Nhưng Chúa Giê-Xu thì mang một ý nghĩa khác có phẩm chất tốt, có sức mạnh, là vua. Satan lại mang một ý nghĩa khác hẳn, nó đại diện cho khía cạnh xấu xa, hung bạo. Thế thì đâu phải chỉ có con rồng mới là ma quĩ mà có cả con sư tử nữa, và không lẽ KT cũng xem Chúa Giê-Xu là ma quĩ khi nói Ngài là sư tử?.
Ông Giăng tuyên bố rằng: “Tôi nhìn xem, thấy Chiên Con đứng trên núi Siôn và đứng với Ngài có mười bốn vạn bốn ngàn người đều có danh Chiên Con ghi trên tráng mình.” (Khải.14:1) Thì có phải ông Giăng thấy một con chiên con và 114.000 người mà trên tráng của họ được xăm tên của con chiên đó không? Và chỉ có 114.000 người được cứu? Làm sao ông Giăng có thể đếm được 114.000 người ở trên núi khi ông chỉ nhìn thấy? mà lại thấy được cả hàng chữ xăm trên tráng của họ nữa? Hoặc như Chúa Giê-Xu phán “Ta đến như kẻ trộm” thì có phải Chúa sẽ đến trong đêm khuya, Ngài đi rón rén, rồi rình mò, ngắm trước ngắm sau, mắt lơ lơ láo láo, đảo qua đảo lai?
Có rất nhiều biểu tượng dành cho Chúa Giê-Xu và Satan.
·  Chúa Giê-Xu: Chiên Con, Sư tử, vầng đá, cái cửa, gốc cây nho, bánh, nước, người chăn….,
·  Satan, ma quĩ: Rắn, rồng, con thú trong đất, con thú trong biển, sư tử…
Nếu so sánh Êsai 27:1; 51:9 và Êxêchiên 32 thì chúng ta thấy Khải Huyền nói về “con rồng” rõ hơn. Đó là bộ ba gian ác. Nó bắt chước Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Nó bắt chước Chúa Giê-Xu bị đóng đinh, đổ huyết ra. Nó bắt chước Thánh Linh để làm chứng về cái chết của Chúa Giê-Xu. Nó đã tạo ra một hội chúng ma quái mô phỏng theo Hội Thánh của Chúa Giê-Xu. Có làm vậy, nó mới dễ đánh lừa người ta. Tuy nhiên vẫn không phải là “con rồng” mà người ta suy diễn như hiện nay.
Đó là những gì Kinh Thánh muốn nói về “con rồng”.
III. Con rồng trong dân gian VN:
Theo Từ điển VN thì "con rồng" có những nghĩa sau đây:
·  Là con vật tưởng tượng, mình dài, có chân, biết bay, Là biểu tượng cao qúi (Tác giả: Nguyễn Như Ý - NXB giáo Dục).
·  Là con vật tưởng tượng, đứng đầu tứ linh: 1) Long (Rồng), 2) Lân (Ly), 3) Qui (Rùa), Phụng (Phượng). Biểu tượng của vua.(Tác giả: Ban biên soạn Chuyên Từ Điển: NEW ERA).
·  Con vật tưởng tượng, được xem là quí thiêng trong loài vật. (Tác giả: Trần Văn Dật - NXB Văn Hóa Thông Tin).
Vào thời xa xưa dân Việt được gọi là “Họ Hồng Bàng”. Hồng Bàng nghĩa là một loại chim nước to lớn, thuộc giống rồng tiên (?) “Con rồng” lần đầu tiên xuất hiện tại Đông Nam Á, sau đó được phổ biến ở Trung Quốc, rồi đến các nước phương Tây. “Con rồng” có đầy đủ đức tính của tư duy nông nghiệp: Nó là tổ hợp của cá sấu, rắn, sinh ra dưới nước, nhưng lại có thể bay lên trời mà không cần cánh như chim. Nó có thể vừa phun nước, vừa phun lửa. Ở VN có rất nhiều địa danh có tên liên quan đến rồng, như Thành Thăng Long, Bến Hàm Rồng, vịnh Hạ Long. . .
Tứ linh là sản phẩm tưởng tượng của con người nông nghiệp nói chung và nông dân VN nói riêng: Long, Lân, Qui, Phụng. Đó là bộ tứ hoàn chỉnh, vuông vức và cân đối tượng trưng cho điều tốt lành. Đây là những con vật mang lại may mắn cho nông dân. “Con Rồng” không hề có trong danh mục thế giới động vật. Nó là con vật tưởng tượng trong trí người ta. Không hề có một con rồng nào có bốn chân lại có thể bay lên trời, sống dưới nước và trên đất khô.
Người VN có một câu chuyện về Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ sinh ra 100 trứng, rồi sau đó nở ra 100 người con. Ý tưởng của câu chuyện muốn nói rằng dân VN là một dân rất đặc biệt, rất siêu nhiên, nguồn gốc của dân VN là hết sức linh thiêng. Đến thế kỷ này người ta vẫn tin như vậy và đem lòng tự hào dân tộc trước năm châu bốn bể.
Theo tôi, câu chuyện này hoàn toàn không có thực, nhưng cũng không dám xem là chuyện hoang đường. Tôi không tin chuyện hoang đường, nhưng tin vào động cơ của chuyện hoang đường ấy. Ông bà ta ngày xưa thật khôn ngoan, chúng ta là kẻ hậu sinh không được báng bổ quan niệm của tổ tiên. Ngày xưa VN đất rộng người thưa (Chỉ Miền Bắc) lại luôn bị ngoại bang hiếp đáp, muốn thôn tính nước ta. Ông bà ta đã phải đối đầu bằng sức lực, lại phải dùng mưu trí để giữ gìn tổ quốc quê hương.
Lợi dụng ý niệm về con rồng của người Á Đông, quí chuộng rồng, xem rồng là linh thiêng có sức mạnh vượt trội, được xem là vua của mọi loài vật. Nhiều dân tộc ở phương Đông tôn cao con rồng. Vì thế ông bà ta đã truyền lại cho con cháu, mà cũng để cho các lâng bang biết mà nể mặt, không dám động đến con cháu của rồng tiên. Nhưng sự thật thì sao? Người Trung Quốc đô hộ chúng ta 1000 năm, người Pháp đô hộ chúng ta 100 năm. Có nước nào sợ con rồng đâu! Vì con rồng là một cách tư duy trong tâm trí, vì thế nó chẳng có thực lực nào. Nó không ngăn được quân xâm lược, nó cũng chẳng có giúp ích gì ai, bởi nó là con vật tưởng tượng mà thôi.
KT không nhắm đến con rồng của người VN mà nói đó là ma quĩ đâu. Con rồng không thiện mà cũng chẳng ác. Người ta sợ nó vì người ta tưởng như vậy! Tôi không thể tin rằng một con vật không hề hiện hữu lại có thể quậy phá đời sống con người, hoặc gây nên tai ương cho con người, nó cũng chẳng có thể đem phúc lợi cho con người.
Chúng ta là những CĐN, chúng ta có Sư Tử của Chi phái Giuđa là Chúa Giê-Xu ngự trong đời sống mình thì hà cớ gì, mà chúng ta cứ phải sợ hãi trước những con rồng bằng đá bằng gỗ kia???
Tôi không khích lệ ai đừng sợ con rồng, hoặc ngăn cản ai yêu mến con rồng. Mỗi người nên tự suy xét, nếu không thì chúng ta dễ trở nên những CĐN mê tín, còn tệ hại hơn những người không tin Chúa mà mê tín.
Chúng ta biết Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời, có thẩm quyền cao cả trên mọi nền văn hoá, nhưng không bao giờ Kinh Thánh chống lại các nền văn hoá của con người. Sở dĩ chúng ta có cảm giác xung đột giữa Kinh Thánh và các nền văn hoá là vì chúng ta chưa hiểu biết hoàn toàn về Kinh Thánh, từ đó có những giải thích sai và ứng dụng sai vào các nền văn hoá. Kinh Thánh chỉ chống lại các hủ tục, những mê tín, trái ngược với bản sắc của nhân loại.
Phúc Âm của Chúa Giê-Xu không bao giờ là thù địch hay bài bác những ý niệm, tư duy, văn hóa của các dân tộc, mà luôn luôn hội nhập vào cộng đồng của con người để giải cứu con người. Phúc âm của Chúa Giê-Xu cũng chẳng bao giờ chỉ trích các nền văn hóa. Dầu người phụ nữ Chúa gặp bên giếng Sikha có sai sót về cách thờ phượng, nhưng Ngài cũng nhẹ nhàng: “các ngươi thờ lạy sự các ngươi không biết, chúng ta thờ lạy sự chúng ta biết. . .” (Giăng 4:22).
IV. Những thế lực vô hình ẩn sau con rồng:
Sẵn sàng chiến đấu với các thế lực tối tăm của Satan là điều rất cần thiết của các CĐN. Nhưng quan trọng hơn hết là phải biết cách để chiến đấu với nó.
Con rồng chỉ là một biểu tượng. Theo Kinh Thánh, nó là biểu tượng của sự gian ác, (nhưng Kinh Thánh không nói rằng con rồng của người VN là gian ác). Còn đối với người VN thì nó là biểu tượng của sự cao quí. Dầu gì thì nó cũng chỉ là biểu tượng. Con rồng không gây tổn hại, cũng chẳng làm nên may mắn cho ai. Vì nó là con vật huyền thoại.
Phaolô nói rằng: "Vì chúng ta đánh trận chẳng phải cùng thịt và huyết (hữu hình) bèn là cùng chủ quyền cùng thế lực cùng vua chúa của thế gian mờ tối này cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy (các linh vô hình)" (Eph.6:12). Phaolô vạch ra mục tiêu chiến đấu của CĐN là:
1.     Chủ quyền, thế lực (vô hình).
2.     Vua chúa thế gian mờ tối (Linh vô hình trên đất).
3.     Các thần dữ chốn không trung (Linh vô hình trên không).
Tấm biển "Chó dữ" với con chó dữ, bạn nên đề phòng cái nào? Bạn phải đánh con chó dữ đang tấn công bạn hay là bạn đánh vào tấm biển "chó dữ" ??? Xem truyền hình hay đọc báo chúng ta thường nghe thấy dân chúng chống đối một quan chức chính phủ hay một quốc gia khác, họ thường đốt hình nộm của quan chức đó hoặc lá quốc kỳ. Họ trút đổ thịnh nộ của họ lên hình nộm hoặc lá quốc kỳ. Hành động đó có giải quyết được gốc rễ của vấn đề hay không ?
Có ai trong chúng ta khi vào sở thú, thấy con sư tử trong chuồng mà bảo rằng: “Kìa là ma quỷ đang bị giam giữ” không?. Vì Phierơ nói: “Ma quỷ như sư tử rống…” (IPhierơ 5:8). Hoặc có ai nói: “Kìa là Chúa Giê-Xu” vì sứ đồ Giăng chép: “Sư tử của chi phái Giuđa là Chúa Giê-Xu” (Khải huyền 5:5) không? Hoặc có CĐN nào nói với cánh cửa trong nhà mình rằng “đây là Chúa Giê-xu của con.” Hoặc có tín hữu nào ở Ninh Thuận nói với gốc nho rằng: “đây là Chúa Giê-xu yêu quí của con.” Có ai bảo rằng tiền VN có “con rồng” nên tôi không thèm xài không? Có ai bảo rằng trong vàng cũng có “con rồng” nên tôi không xài vàng. Bao xi-măng mà anh em xây nhà cũng có “con rồng”, nên anh em ở nhà tre, mây gỗ hoặc nhà lá?
Tôi tin rằng không có CĐN nào nghĩ hay nói như vậy. Thế thì tại sao anh em nghĩ về “con rồng” như vậy ???
Câu trả lời là: “Ứng dụng Kinh Thánh không đồng nhất, nghĩ sai về điều Kinh Thánh nói. Tưởng rằng Kinh Thánh nói như vậy. Gán điều mình suy nghĩ vào Kinh Thánh. Tìm cách giải kinh cho khác lạ, mới mẻ và hấp dẫn, hợp lý nhưng không đúng với chân lý. Đó là một sự cượng giải.”
Chúng ta phải nhớ rằng Kinh Thánh không hề mâu thuẫn, Kinh Thánh hiệp nhất từ câu đầu tiên của sách Sáng Thế Ký đến câu cuối cùng của sách Khải Huyền. Vì Kinh Thánh có duy nhất một tác giả là Đức Chúa Trời.
Satan ở phía sau "con rồng" chứ không phải là "con rồng". Vì thế đừng chiến đấu với "con rồng" mà phải chiến đấu với Satan, nó là mục tiêu của chúng ta. Chiến đấu với Satan không phải là đốt nó, đạp đầu, đạp lưng nó hay là chửi nó. Chiến đấu với Satan phải dùng vũ khí của ĐCT, ấy là: Lòng chân thật, nếp sống công bình, lòng bình an, đức tin, sự cứu chuộc, Lời của ĐCT, cầu nguyện, tỉnh thức , (Eph.6:14-18) và: "Những khí giới mà chúng tôi dùng để chiến tranh là không thuộc về xác thịt đâu, bèn là bởi quyền năng của ĐCT, có sức mạnh để đạp đổ mọi đồn lũy." (II Cor.10:4).
Nhiều Cơ Đốc Nhân đả kích ý niệm “con rồng cháu tiên” của dân tộc ta. Hành động ấy đã vô tình chống lại mọi người. Hành động ấy đã khiến cho mọi người nghĩ rằng Cơ Đốc Giáo là một thế lực nguy hiểm vì muốn triệt tiêu mọi nền văn hóa, Cơ Đốc Giáo không tôn trọng văn hóa của người khác. Chúa không dạy chúng ta trở nên những người chống đối mọi người vì điều ấy ngược lại với bản tính yêu thương của Ngài. Chúa Giê-Xu “vốn có hình của ĐCT, song chẳng coi sự đó là điều nên nắm giữ. Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ mà trở nên giống như loài người. Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự.” (Phi líp 2:5-7). Đó là tâm tình của Chúa Giê-Xu. Cũng tương tự như vậy, Phaolô đã nói: “Tôi ở yếu đuối với người yếu đuối, hầu được những người yếu đuối; tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu chuộc được một vài người không cứ cách nào. Mọi điều tôi làm, thì làm vì cớ Tin Lành, hầu cho tôi cũng có phần trong đó." (I Côr. 9:22-23).
Chúng ta phải có suy nghĩ và hành động phù hợp để kéo mọi người đến gần với Chúa Giê-Xu, chứ không phải làm cho mọi ngươì xa lánh Ngài. Chúa Giê-Xu chịu chết thay cho toàn nhân loại chứ không riêng cho một nền văn hóa nào. Đối tượng tình yêu của Ngài là con người chứ không phải là nếp văn hóa của con người. Ngài giải cứu mọi người bởi ân điển và đức tin chứ không phải thành tích chống Satan đến cỡ nào.
Vậy chúng ta đừng ĐÁNH GIÓ VÀ CHẠY BÁ VƠ
Mục Sư Nguyễn Quốc Ấn, 2005. 
Giáo Sư VTH
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...