Saturday, November 2, 2013

Vài Ý Tưởng Về Sách và Việc Đọc Sách



Một vấn đề lớn ở nhiều nơi trên thế giới ngày nay là học biết cách đọc, và ở nhiều nơi khác là tìm kiếm một cái gì đó để đọc sau khi đã học rồi. Trong thế giới phương Tây, chúng ta có đầy dẫy những ấn phẩm, vì thế vấn đề ở đây trở thành một lựa chọn. Chúng ta phải quyết định không đọc cái gì.
 

Gần một thế kỷ trước, Emerson đã chỉ ra rằng nếu một người có thể bắt đầu đọc ngay từ khi vừa mới chào đời và tiếp tục đọc không ngừng nghỉ trong vòng 70 năm, thì đến cuối thời điểm đó anh ta chỉ đọc được một số sách đủ lấp đầy một góc nhỏ xíu trong Thư Viện Anh Quốc. Cuộc sống quá ngắn ngủi và sách vở có sẵn cho chúng ta thì quá nhiều, đến độ không một người nào có thể đọc được nhiều hơn 1% những quyển sách đã được xuất bản.

Cũng chẳng cần phải nói đến việc hầu hết trong chúng ta không có đủ sự lựa chọn cho việc đọc. Tôi thường tự hỏi có bao nhiêu yard vuông những tờ báo đã lướt qua trước mắt một con người văn minh bình thường trong thời gian một năm. Chắc chắn nó phải lên đến vài mẫu Anh; và tôi lo ngại rằng những độc giả bình thường của chúng ta không nhận thấy một vụ mùa rất lớn trên diện tích báo anh ta đọc. Một lời khuyên tốt nhất mà tôi đã được nghe về đề tài này, do một mục sư hệ phái Giám Lý phát biểu, là: "Hãy luôn luôn đọc tờ báo của bạn khi đang đứng." Henry David Thoreau cũng có một đánh giá thấp về nhật báo. Ngay trước khi rời khỏi thành phố để đến nơi tạm trú bên bờ của dòng sông Walden Pond, một người bạn hỏi ông rằng liệu ông có muốn tờ nhật báo được giao đến tận mái nhà tranh của ông hay không. "Không," Thoreau đáp, "tôi đã xem báo rồi."

Trong vấn đề đọc nghiêm túc của chúng ta, chúng ta có khuynh hướng bị ảnh hưởng rất lớn bởi quan điểm cho rằng giá trị chính của một cuốn sách là để thông tin; và nếu chúng ta đang nói về sách giáo khoa, điều này dĩ nhiên là đúng, nhưng khi nói hay viết về các cuốn sách, chúng ta không ám chỉ đến sách giáo khoa.

Cuốn sách tốt nhất không chỉ cung cấp thông tin, nhưng là cuốn sách khuấy động độc giả đến chỗ nhìn biết chính mình. Tác giả tài nhất là người đã đi với chúng ta qua thế giới của tư tưởng giống như một hướng dẫn viên thân thiện luôn đi bên cạnh chúng ta băng qua khu rừng rậm, chỉ cho chúng ta hàng trăm kỳ quan thiên nhiên mà trước đó chúng ta chưa hề chú ý đến. Vì thế chúng ta học từ ông ấy để nhìn thấy chính mình và chẳng bao lâu sau chúng ta không cần người hướng dẫn của mình nữa. Nếu ông ta làm tốt công việc của mình, chúng ta có thể bước đi một mình và chỉ để lỡ mất một chút nào đó trên đường mà thôi.

Tác giả làm nhiều nhất cho chúng ta là tác giả mang đến cho chúng ta những tư tưởng nằm sát cạnh tâm trí mình và chờ đợi để được nhìn biết như là của chính chúng ta. Một người như vậy hành động giống như một bà mụ giúp đỡ khi sinh nở những tư tưởng đã đang thai nghén trong linh hồn chúng ta từ lâu, mà nếu không có sự giúp đỡ này thì có thể sẽ chẳng bao giờ ra đời cả.

Ít có tình cảm nào lại thỏa lòng như là niềm vui phát xuất từ việc nhận biết và xác định được những tư tưởng của riêng mình. Tất cả chúng ta đều có những giáo sư, những người tìm kiếm để dạy dỗ chúng ta bằng cách đưa những ý tưởng xa lạ vào trong tâm trí của chúng ta, những tư tưởng mà chúng ta không hề cảm thấy có chút thân thuộc nào cả về mặt thuộc linh lẫn lý trí. Chúng ta nghiêm túc thử những điều này để tích hợp vào toàn bộ triết lý thuộc linh của chúng ta, nhưng luôn luôn không thành công.

Trong một ý nghĩa rất thực tế thì không ai có thể dạy một người nào; anh ta chỉ có thể giúp mình để dạy chính mình mà thôi. Các sự kiện có thể được chuyển đổi từ tâm trí này sang một tâm trí khác giống như các bản sao được thực hiện từ một băng gốc trên một cái máy thu băng. Lịch sử, khoa học, ngay cả thần học có thể được dạy theo cách này, nhưng nó hình thành một loại học thức nhân tạo khá cao và hiếm khi có ảnh hưởng tốt lên đời sống bên trong của học viên. Việc người học đóng góp điều gì trong suốt quá trình học tập cũng hoàn toàn quan trọng như bất cứ gì người thầy cống hiến. Nếu người học không hợp tác gì hết, thì kết quả cũng chỉ là vô dụng mà thôi; ở mức tốt nhất thì nó cũng sẽ có nhưng là sự sáng tạo nhân tạo của một giáo viên khác, người có thể lập lại một công việc tồi tàn lên người khác, không hơn không kém.

Sự nhận biết những tư tưởng hơn là cất giữ chúng phải là mục đích của giáo dục. Tâm trí phải là một con mắt để thấy hơn là một thùng rác để đựng sự kiện bên trong. Một người đã từng được dạy về Thánh Linh sẽ là một nhà tiên kiến hơn là một học giả. Sự khác biệt là ở chỗ học giả thì thấy, còn nhà tiên kiến thì thấy xuyên qua; và đó thực sự là một khác biệt đầy quyền năng.

Trí năng của con người, ngay cả khi đang ở trong tình trạng sa ngã của nó, là một công việc đáng sợ và lạ lùng của Ðức Chúa Trời, nhưng nó vẫn nằm trong bóng tối cho đến khi nó được Thánh Linh khai sáng. Chúa chúng ta không nói điều gì tốt về một tâm trí chưa được khai sáng, nhưng Ngài thích thú tâm trí đã được làm mới lại và soi sáng bởi ân điển. Ngài luôn tạo lập một chỗ cho bàn chân vinh hiển của Ngài; hầu như không có gì trên trần gian này đẹp hơn một tâm trí được đầy dẫy Thánh Linh, chắc chắn không có gì tuyệt vời hơn một tâm trí tỉnh táo và sốt sắng được làm cho trở nên sáng chói bởi sự hiện diện của Ðấng Christ ngự trị bên trong.

Vì những gì chúng ta đọc trong ý nghĩa thực tế sẽ đi vào linh hồn, nên việc chúng ta đọc những điều tốt nhất, và không đọc bất cứ điều gì khác hơn những điều tốt nhất, là điều quan trọng mang tính chất sống còn. Tôi không cảm thấy các Cơ Ðốc nhân trước đây tốt hơn vì họ không có nhiều tư liệu đọc để mà lựa chọn. Ngày nay chúng ta phải luyện tập một tính kỷ luật sắc bén trong thói quen đọc sách của mình. Mỗi Cơ Ðốc nhân phải am tường Kinh Thánh, hay ít nhất là phải dành hàng giờ, hàng ngày, và hàng năm cố gắng. Và phải luôn luôn đọc Kinh Thánh của mình, như George Muller nói, "với sự suy gẫm."

Sau Kinh Thánh, cuối sách có giá trị đứng hàng thứ nhì cho Cơ Ðốc nhân là một quyển thánh ca tốt. Hãy để một Cơ Ðốc nhân trẻ dành một năm suy gẫm trong sự cầu nguyện những bài thánh ca của Watts và Wesley thôi, anh ta sẽ trở thành một nhà thần học giỏi. Rồi để anh ta đọc ở mức độ cân bằng các tác phẩm của những người Thanh giáo và những nhà thần bí Cơ Ðốc. Những kết quả sẽ còn tuyệt vời hơn là điều anh ta có thể mơ tưởng đến.
 A.W.Tozer
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...