Saturday, November 2, 2013

Thập Giá Cũ Và Mới



Mọi người đều không được báo trước và hầu hết là không nhận biết rằng trong thời đại ngày nay đã có một thập giá mới xuất hiện trong vòng các Hội Thánh Tin Lành phổ thông. Nó giống như thập giá cũ, nhưng khác hơn: những điểm giống nhau nằm ở bên ngoài; những cái khác nhau nằm trong bản chất.


Thập giá mới này đã cho ra một triết lý mới của đời sống Cơ Ðốc nhân, và từ triết lý mới đó lại xuất hiện một loại Phúc Âm mới - một loại nhóm họp mới và một loại rao giảng mới. Sự truyền giảng Phúc Âm mới này cũng dùng một ngôn ngữ cũ, nhưng nội dung của nó không còn như cũ nữa, và điểm nhấn mạnh của nó cũng khác xưa.

Thập giá cũ không hề nhượng bộ thế gian. Ðối với xác thịt kiêu ngạo của A-đam, nó có nghĩa là điểm kết của cuộc hành trình. Nó thi hành bản án đã tuyên của bộ luật ban hành tại Si-nai. Còn thập giá mới không chống đối lại chủng tộc loài người; mà ngược lại, nó là một người bạn thân thiện và, nếu được hiểu đúng, nó là cội nguồn của vô số trò vui "sạch sẽ" cũng như những sở thích "vô tội". Nó để cho A-đam sống mà không có chút trở ngại nào. Ðộng cơ của đời sống anh ta không hề thay đổi; anh vẫn sống vì sở thích riêng của mình, chỉ có điều giờ đây anh thấy vui trong việc hợp xướng và xem những phim tôn giáo thay vì hát những bài hát xấu xa và uống nước giải khát có nồng độ cồn cao. Cái xưa kia vẫn còn được thích thú, dầu rằng trò vui ngày nay nằm trên một mức độ đạo đức cao hơn nếu không là trí thức thông minh hơn.

Thập giá mới khuyến khích một sự tiếp xúc hoàn toàn mới và khác lạ của Phúc Âm. Người Tin Lành không đòi hỏi sự từ bỏ đời sống cũ trước khi một đời sống mới có thể được nhận lãnh. Anh ta rao giảng, không phải những điều tương phản mà là những điều tương tự. Anh kiếm cách để được nhiều người yêu mến bằng việc trình bày rằng Cơ Ðốc giáo không hề có những đòi hỏi khó chịu nào; mà ngược lại, nó ủng hộ cùng một thứ mà thế gian này làm, có điều là ở một cấp độ cao hơn thôi. Ngày nay, bất cứ thứ gì thế gian điên cuồng trong tội lỗi này hò reo ầm ĩ đều được khéo léo trình bày thành cái mà Phúc Âm cống hiến, chỉ có sản phẩm tôn giáo là tốt hơn.

Thập giá mới không giết chết tội nhân, nó tái định hướng anh ta. Nó thúc đẩy anh đi vào một con đường sống sạch sẽ hơn, vui vẻ hơn và giúp cứu vãn sự tự trọng của anh. Ðối với những người tự khẳng định, nó nói, "Hãy đến và khẳng định mình cho Ðấng Christ." Ðối với những người tự cao tự đại, nó nói, "Hãy đến và khoe mình trong Chúa." Ðối với những người tìm kiếm cảm giác, nó nói, "Hãy đến và vui hưởng tình cảm thông công Cơ Ðốc." Sứ điệp Cơ Ðốc bị trình bày lệch lạc theo hướng của những điều đang thịnh hành trong hiện tại để có thể được công chúng chấp nhận.
Cái triết lý đằng sau điều này có thể chân thành, nhưng sự chân thành của nó không cứu nó khỏi bị sai trật. Nó sai vì nó mù quáng. Nó đánh mất toàn bộ ý nghĩa của thập giá.

Thập giá cũ là một biểu tượng của sự chết. Nó đứng đó dành cho sự kết thúc đột ngột và đau đớn của một con người. Trong thời kỳ La Mã Ðế Quốc cai trị, con người mang thập giá mình và lê bước trên đường đã nói lời vĩnh biệt với những người bạn của mình. Anh ta không trở lại. Anh đang bước ra để chấm dứt cuộc đời. Thập giá không hề thỏa hiệp, không hề sửa đổi điều gì, không hề dung thứ điều gì; nó giết chết cả con người, hoàn toàn và dứt khoát. Nó không cố gắng để giữ những quan hệ tốt đẹp với nạn nhân mình. Nó tra tấn rất tàn khốc và đau đớn, và khi nó hoàn tất công việc mình, con người chẳng còn gì cả.

Chủng tộc A-đam đang ở dưới bản án tử hình. Không hề có sự thay thế nào và cũng chẳng có lối thoát nào. Ðức Chúa Trời không thể chấp nhận bất cứ bông trái nào của tội lỗi, bất luận chúng có vẻ vô tội ra sao hay đẹp đẽ trước mắt con người như thế nào. Chúa cứu một cá nhân bằng cách thanh toán chính anh ta và rồi khiến anh sống lại trong đời mới.

Loại truyền bá Phúc Âm nào vẽ ra những đường song song giữa phương cách của Ðức Chúa Trời và đường lối con người là điều sai trái đối với Kinh Thánh và là một mối nguy hại cho linh hồn của những người lắng nghe nó. Ðức tin của Ðấng Christ không hề song song với thế giới, nó cắt ngang. Ðến với Ðấng Christ, chúng ta không đem đời sống cũ của chúng ta lên một tầm cao hơn; chúng ta quăng bỏ nó tại thập giá. Hột giống lúa mì phải rơi vào trong đất và chết đi.

Chúng ta, những người rao giảng Phúc Âm, không được nghĩ về chính mình như là những liên lạc viên công khai được sai đi để thiết lập ý muốn tốt lành giữa Ðấng Christ và thế giới. Chúng ta không được phép tưởng rằng mình đã được ủy nhiệm để làm cho Ðấng Christ có thể chấp nhận được đối với công việc làm ăn lớn, báo chí, thế giới thể thao hay nền giáo dục hiện đại. Chúng ta không phải là những nhà ngoại giao bèn là những tiên tri; và sứ điệp của chúng ta không phải là một sự thỏa hiệp, bèn là một tối hậu thư.

Ðức Chúa Trời ban sự sống, nhưng không phải là một sự sống cũ được cải thiện. Sự sống Ngài ban là một sự sống mới ra khỏi từ cái chết. Nó luôn đứng phía bên kia thập giá. Bất kỳ ai có nó phải trải qua ngọn roi. Anh ta phải từ bỏ chính mình và phải chịu bản án công bình của Ðức Chúa Trời chống lại anh.
Ðiều này có ý nghĩa gì đối với mỗi cá nhân, là người được cứu muốn tìm thấy sự sống trong Ðức Chúa Jêsus? Làm thế nào chân lý thần học này có thể được biến thành sự sống? Chỉ đơn giản thôi, anh ta phải ăn năn và tin. Anh ta phải từ bỏ tội lỗi mình và rồi tiến đến từ bỏ chính mình. Anh ta không che đậy gì cả, không phòng giữ, và cũng không bào chữa gì cả. Anh cũng không thỏa thuận với Ðức Chúa Trời, nhưng cúi đầu xuống trước ngọn roi của Ngài và nhìn biết rằng mình đáng ra phải chết.

Làm xong điều này, hãy để anh nhìn lên với một niềm tin đơn sơ nơi Cứu Chúa đã sống lại, và từ nơi Ngài sẽ tuôn tràn ra sự sống, sự tái sanh, sự tẩy sạch và quyền năng. Thập giá chấm dứt đời sống trần tục của Ðức Chúa Jêsus bây giờ lại đặt dấu chấm hết cho tội nhân; và quyền năng đã khiến Ðấng Christ sống lại từ kẻ chết bây giờ lại vực anh dậy trong một đời sống mới đồng hành với Ðấng Christ.

Với những ai phản đối điều này, hay chỉ xem nó là một quan điểm hẹp hòi, cá nhân về lẽ thật, hãy để tôi nói rằng Ðức Chúa Trời đã đóng dấu ấn chấp thuận của Ngài lên sứ điệp này kể từ thời đại của Phao-lô cho đến tận ngày nay. Bất chấp có được thể hiện chính xác trong những lời này hay không, điều đó vẫn là nội dung của mọi sự rao giảng đã đưa đến sự sống và sức mạnh cho thế giới trong nhiều thế kỷ. Những người thần bí, những người cải chánh, những người phấn hưng đã đặt để sự nhấn mạnh của họ ở đây, và những dấu hiệu, những kỳ quan cũng như sự vận hành quyền năng của Thánh Linh chính là bằng chứng cho sự chấp thuận của Ðức Chúa Trời.

Liệu chúng ta, những người thừa kế của một gia sản đầy quyền năng, có dám giả mạo lẽ thật đó không? Liệu chúng ta có dám dùng những cục gôm bút chì nhỏ bé mà xóa đi những dòng chữ của bản thiết kế hay thay đổi các kiểu mẫu được bày ra cho chúng ta trên Núi (trong Bài Giảng Trên Núi)? Ðức Chúa Trời ngăn cấm điều đó. Chúng ta hãy rao giảng thập giá cũ và chúng ta sẽ được biết quyền năng của ngày xưa.
 A.W.Tozer
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...